Giấy phép con “bóp chết” vận tải

Gần 30 hợp tác xã (HTX) vận tải ở TP.HCM vừa ký văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Liên minh HTX Việt Nam, UBND TP.HCM và các sở ngành... kiến nghị về việc thực hiện các điều kiện kinh doanh do Bộ GTVT đặt ra. Theo các HTX, các điều kiện kinh doanh này là những loại giấy phép con mới.

Bộ tự đặt điều kiện kinh doanh

Ngày 2-9-2006, Chính phủ ban hành Nghị định 110/2006/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Trong đó có ghi hai loại hình được phép kinh doanh là doanh nghiệp - HTX cũng là doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Nghị định này không có điều khoản nào quy định về quyền sở hữu phương tiện khi tham gia kinh doanh vận tải.

Thế nhưng trong Quyết định 34, 16 và 17 ban hành cuối năm 2006 và đầu năm 2007 hướng dẫn việc kinh doanh xe buýt, xe khách và taxi theo Nghị định 110, Bộ GTVT lại quy định về quyền sở hữu phương tiện. Theo đó, chỉ những xe thuộc sở hữu doanh nghiệp, HTX, chi nhánh doanh nghiệp, HTX hoặc sở hữu của đơn vị có chức năng thuê mua tài chính.... mới được kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định, xe buýt và taxi. Theo ông Nguyễn Duy Hiếu, Chủ tịch Liên minh các HTX TP.HCM, việc Bộ GTVT “tự đặt” ra điều kiện kinh doanh như trên là trái với Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp về quyền có tài sản của công dân trong hoạt động kinh doanh. “Mặt khác, chỉ có Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới có quyền đưa ra các điều kiện kinh doanh. Bộ GTVT không có quyền này” - ông Hiếu khẳng định.

Giấy phép con “bóp chết” vận tải ảnh 1
Tiếp viên trên xe khách phải qua tập huấn mới được hành nghề. Ảnh: L.ĐỨC

Bất hợp lý hơn nữa, tài liệu tập huấn thực hiện các quyết định trên do Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) phát hành, còn yêu cầu: “Xe của các HTX dịch vụ hỗ trợ, xe liên kết với các HTX, các doanh nghiệp nếu còn tiếp tục khai thác theo tuyến cố định phải làm thủ tục chuyển sở hữu và xác định giá trị tài sản góp vốn”. Theo ông Nguyễn Duy Hiếu, điều này trái với tinh thần hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế HTX được tổ chức tại Bộ GTVT mới đây: HTX vừa có tài sản thuộc sở hữu chung, vừa có tài sản thuộc sở hữu của xã viên, không nhất thiết phải tập thể hóa; khuyến khích xã viên góp vốn bằng phương tiện vận tải (chứ không chỉ góp vốn bằng tiền như hiện nay) và cũng không tập thể hóa.

Theo chủ nhiệm nhiều HTX, ba quyết định của Bộ GTVT và hướng dẫn của Cục ĐBVN chưa đúng với Luật HTX. Theo luật, xã viên góp vốn theo quy định điều lệ HTX chứ không phải theo quy định của Bộ GTVT. Bà Bùi Thị Dung, Chủ nhiệm HTX Hiệp Phát, nói thẳng: “Bộ GTVT không thể đưa ra các quyết định “sửa” lại Luật HTX”.

Sở “vẽ” vào đường... cụt!

Trong các buổi triển khai thực hiện ba quyết định trên của Bộ GTVT tại TP.HCM, Phó Giám đốc Sở GTCC TP.HCM, ông Dương Hồng Thanh “vẽ đường”: xã viên nên đăng ký ngành dịch vụ cho thuê xe, rồi ký hợp đồng cho HTX thuê lại. Theo chủ nhiệm các HTX, nếu làm theo cách trên thì một đầu xe của xã viên và HTX phải đóng hai loại thuế: thuế môn bài đối với hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê xe và thuế thu nhập doanh nghiệp (HTX). Vậy là thuế chồng thuế!

Ngoài ra, Quyết định 17 của Bộ GTVT về kinh doanh taxi không đặt ra điều kiện xã viên, HTX phải đóng thuế rồi mới được cấp, dán phù hiệu (tem). Nhưng trong thông báo triển khai thực hiện quyết định trên, Sở GTCC lại nại quy định: Sở và Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng chỉ cấp, dán tem cho các xe, HTX taxi đã đăng ký, kê khai và nộp thuế. Về việc làm “dài tay” này, ông Lê Trung Tính - Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTCC cho rằng là để thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP. Thế nhưng Chỉ thị 26/2006 của UBND TP.HCM dựa theo Nghị định 92/2001 của Chính phủ nhưng nghị định này đã... hết hiệu lực thi hành, đã được thay thế bằng Nghị định 110 nói trên.

Tại thông báo về việc thực hiện ba quyết định trên, mới đây Bộ GTVT lại giao cho Cục ĐBVN và các Sở GTVT (GTCC) được làm những việc trái luật. Chẳng hạn, hai cơ quan trên có quyền buộc tạm dừng hoạt động, thu hồi sổ nhật trình chạy xe, phù hiệu xe... đối với các xe chưa đăng ký sở hữu thuộc doanh nghiệp, HTX. Như đã nói trên, Bộ quy định về sở hữu xe đã là trái luật. Còn việc buộc doanh nghiệp, chủ xe phải ngưng hoạt động là thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp phép kinh doanh, không phải của ngành GTVT. Mặt khác, Nghị định 152 hiện hành không có quy định nào về việc tạm ngưng xe khi mắc các lỗi như không có hồ sơ của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hợp đồng lao động giữa lái xe, nhân viên phục vụ với doanh nghiệp, HTX... Theo một cán bộ thanh tra Sở GTCC, Bộ yêu cầu Sở phải làm những việc mà luật không quy định, “Lỡ dân, doanh nghiệp kiện thì... chết luôn!”.

Ba kiến nghị của các HTX

- Bỏ quy định sở hữu phương tiện như một điều kiện kinh doanh; chấp nhận cho xe xã viên HTX được tham gia kinh doanh dưới hình thức pháp nhân HTX như lâu nay. Ngoài ra, hiện việc xin cấp các phù hiệu hợp đồng, phù hiệu tuyến cố định, tem xe taxi... đều do pháp nhân HTX xin và Sở GTCC cũng chỉ cấp cho pháp nhân HTX. Do đó, không có lý do gì không cấp cho các xe đứng tên xã viên và hoạt động dưới danh nghĩa pháp nhân HTX.

- Nếu không điều chỉnh, sửa đổi các quyết định trên thì Bộ GTVT hãy giải thích, dẫn chứng các căn cứ pháp luật.

- Đề nghị Bộ GTVT, Sở GTCC xem xét cho gia hạn thời gian thực hiện điều kiện kinh doanh theo Nghị định 110 sang đầu năm 2008 về khâu tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ đối với đội ngũ lái xe, tiếp viên vì tập trung đào tạo cùng lúc sẽ gây đình chỉ kinh doanh. Mặt khác, đến hạn cuối tháng 9, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam phía Nam không thể đào tạo, cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ cho hàng chục ngàn người.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm