Vùng kinh tế trọng điểm phía nam: Thiếu bản giao hưởng cho cả vùng

Báo Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn tiến sĩ Đinh Sơn Hùng - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM về một số nội dung quan trọng của hội nghị này.

Các địa phương đang tự “bơi”

Tiến sĩ Hùng cho biết tại hội nghị có hai việc phải bàn đến. Thứ nhất là cơ sở hạ tầng như quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông vận tải và các dự án phát triển giao thông vận tải toàn vùng. Thứ hai là vấn đề môi trường sinh thái. Cần đánh giá xem sự hợp tác, liên kết và đồng thuận giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm trong việc bảo vệ môi trường sinh thái đến mức độ nào.

. Tại sao lại cần đánh giá lại sự đồng thuận về bảo vệ môi trường sinh thái trong vùng, thưa ông?

Vùng kinh tế trọng điểm phía nam: Thiếu bản giao hưởng cho cả vùng ảnh 1+ Ví dụ như có một dự án làm gia tăng ô nhiễm môi trường bị TP.HCM từ chối mà nó lại được một địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm chấp thuận đầu tư và bố trí ở đầu nguồn nước hoặc đầu nguồn gió. Trường hợp đó tình trạng ô nhiễm môi trường trong toàn vùng sẽ không thể giải quyết được.

. Đã có quy hoạch tổng thể cho toàn vùng chưa, thưa ông?

+ Hiện chưa có quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội và quy hoạch tổng thể về xây dựng toàn vùng. Chừng nào có quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội toàn vùng, các địa phương mới tiến hành quy hoạch kinh tế kỹ thuật, quy hoạch sử dụng đất hay còn gọi là quy hoạch không gian lãnh thổ. Quy hoạch tổng thể hình thành cơ cấu kinh tế đặt trong tổng thể vùng sẽ khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của vùng và của từng địa phương. Nếu mỗi địa phương quy hoạch riêng lẻ, tách khỏi quy hoạch vùng thì vẫn phát triển đúng kế hoạch nhưng là phát triển tự phát, có thể triệt tiêu động lực phát triển của các địa phương khác trong vùng.

Thừa lẫn thiếu

. Ông có thể nói rõ hơn về một số ngành chưa có quy hoạch tổng thể phát triển vùng và hệ lụy của nó?

+ Một số bộ, ngành chưa có quy hoạch tổng thể vùng nên các địa phương không thể có quy hoạch phù hợp với sự phát triển toàn vùng được. Như Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy hoạch về phát triển giáo dục và đào tạo toàn vùng nên mới có tình trạng tỉnh nào cũng muốn xây trường đại học, cao đẳng, ngay cả những ngành học mà tại TP.HCM đã có rồi. Chưa có quy hoạch tổng thể vùng nên ngay đến cốt nền đường và cốt nền xây dựng toàn vùng cũng không thể chuẩn hóa được. Các bộ, ngành phải phủ kín quy hoạch toàn vùng. Trên cơ sở đó các địa phương mới tiến hành quy hoạch trong định hướng phát triển chung.

Tăng trưởng nhanh chưa chắc bền vững

. Các tỉnh trong vùng đang có khuynh hướng tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ông nhận xét gì về khuynh hướng này?

+ Muốn đạt tốc độ tăng trưởng không khó, chỉ cần tập trung vốn đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng ở một khu vực nào đó thì tốc tộ tăng trưởng lập tức sẽ tăng vụt lên. Vấn đề là hiệu quả của tăng trưởng đó như thế nào. Theo tôi, tăng trưởng cao là tốt nhưng phải gắn với những mục tiêu khác tương ứng. Không nên tạo áp lực về tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các địa phương vì như thế các địa phương sẽ chỉ chú trọng đến tăng trưởng mà không tạo được tính bền vững và tính hiệu quả trong lâu dài. Khi lấy mục tiêu tăng trưởng cao có thể sẽ phải hy sinh các mục tiêu khác. Chẳng hạn không có thời gian để chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nội bộ địa phương, không đủ tiềm lực để ưu tiên đi vào tăng trưởng theo chiều sâu.

. Nếu chú trọng tăng trưởng kinh tế tốc độ cao liệu có góp phần tăng thêm phân hóa giàu nghèo trong từng địa phương và giữa các địa phương?

+ Sự tăng trưởng phải xét đến các thành viên trong xã hội được hưởng thụ như thế nào. Nếu không rất có thể sẽ diễn ra phân cực giàu, nghèo. Ngay TP.HCM nếu chỉ đầu tư chiều rộng để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao, khi tạo khoảng cách lớn về phát triển kinh tế giữa TP.HCM và các địa phương trong vùng thì TP.HCM sẽ càng gánh chịu thêm áp lực về tăng dân số cơ học. Sự tăng trưởng kinh tế của thành phố phải tác động, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế dây chuyền của các địa phương. TP.HCM phải là văn phòng dịch vụ cho vùng kinh tế trọng điểm.

. Ông có đề xuất gì về hội nghị giao ban vùng kinh tế trọng điểm phía nam sắp tới?

+ Những vấn đề vừa nêu và những vấn đề đặt ra tại hội nghị giao ban, Chính phủ cần có kết luận để các địa phương tổ chức thực hiện. Chính phủ cần giao trách nhiệm cụ thể cho người điều hành để phối hợp giữa các tỉnh trong vùng.

. Xin cám ơn ông!

Vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm TP.HCM và bảy tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang). Vùng có diện tích tự nhiên trên 30.000 km2 (chiếm 9,2% diện tích cả nước), dân số gần 15 triệu người (chiếm gần 18% cả nước). GDP toàn vùng chiếm 40% GDP cả nước và GDP trên đầu người đạt 22 triệu đồng/người, gấp 2,4 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của toàn vùng chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

ĐẶNG HUỲNH LỘC thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm