Bà Trần Thị Liên (thôn Trung Viên, Quế Trung, Nông Sơn, Quảng Nam) bức xúc phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM rằng gia đình bà vừa nhận được giấy đòi nợ 12 triệu đồng của một công ty tài chính có trụ sở ở TP.HCM. Ngoài ra, một cửa hàng điện thoại di động ở Đà Nẵng cũng báo gia đình bà nợ tiền mua hàng 10 triệu đồng.
Người bị đòi nợ là anh Hồ Công Linh, con trai bà Liên nhưng anh Linh khẳng định mình không hề có giao dịch nào như vậy.
“Trước đó, một nhân viên cửa hàng điện thoại di động từ Đà Nẵng đến nhà tôi đòi tiền, nói con tôi mua điện thoại nhiều tháng rồi không thấy trả. Họ tên và số chứng minh nhân dân (CMND) đúng là của con tôi nhưng ảnh người mua điện thoại là một người khác” - bà Liên thông tin.
Từ hình ảnh của cửa hàng, gia đình bà Liên xác định người cầm giấy tờ của anh Linh đi mua điện thoại là Hồ Quang Hiếu (33 tuổi), người đã từng lừa gia đình bà số tiền 60 triệu đồng.
Bà Trần Thị Liên bức xúc vì khoản nợ từ trên trời rơi xuống và hai quyết định giả Hiếu dùng để lừa gia đình bà. Ảnh: H.TRƯỜNG
“Bên công ty tài chính cũng thông báo nếu không đem tiền đến giải quyết thì sẽ đưa sự việc ra tòa nên chúng tôi rất lo lắng, không biết phải giải quyết thế nào” - bà Liên nói.
Truy lại sự việc, bà Liên cho biết trước đó, lấy cớ giúp xin việc cho con bà, Hiếu cầm CMND của anh Linh và sổ hộ khẩu bản chính của gia đình xuống Đà Nẵng. Sau đó, Hiếu làm giả hai quyết định: Một của chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về việc bồi thường đất đai cho gia đình bà Liên, một của viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng “bổ nhiệm” anh Linh vào làm việc tại cơ quan. Với hai quyết định giả này, Hiếu lừa của gia đình bà Liên 60 triệu đồng. Vụ án đã được TAND huyện Nông Sơn xét xử, tuyên án Hiếu 24 tháng tù giam nhưng người này đang kháng cáo.
Người viết đã liên lạc số điện thoại trong hợp đồng vay nợ thì người bắt máy là Hồ Quang Hiếu. Hiếu thừa nhận đã dùng giấy tờ của anh Linh để vay tiền, số tiền vay Hiếu dùng để mua điện thoại trả góp nhưng vì trả không đúng hạn nên cửa hàng tìm đòi… anh Linh.
Về phía Công ty Tài chính, đơn vị này cho biết hợp đồng vay mua hàng trả góp mang tên Hồ Công Linh đã trễ hạn thanh toán quá lâu (134 ngày) và bị chuyển qua bộ phận pháp lý của công ty để xử lý. Đối với thông tin người đứng vay thực sự không phải là anh Linh và Hiếu đã thừa nhận việc mạo danh, đại diện công ty cho biết sẽ phải thông qua bộ phận pháp lý xác nhận vụ việc mới có thể đưa ra được hướng xử lý thích hợp.
Về trách nhiệm hình sự, nếu một người dùng thủ đoạn gian dối để lấy CMND, sổ hộ khẩu của người khác và sử dụng những giấy tờ này để giao dịch như vay tiền tại ngân hàng, mua điện thoại trả góp thì hành vi đó có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu số tiền lừa đảo có giá trị từ hai triệu đồng trở lên (hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt) thì đủ yếu tố cấu thành tội danh trên theo quy định tại Điều 139 BLHS. Về trách nhiệm của cửa hàng điện thoại và công ty tài chính thì có hai tình huống xảy ra: Nếu người này dùng CMND của người khác và dán hình ảnh của mình hoặc làm cách nào đó khiến người khác không nhận ra mình là người giả thì hai đơn vị vô can, khi đó mọi trách nhiệm thuộc về người giả mạo. Tuy nhiên, nếu công ty và cửa hàng biết việc giả giấy tờ mà vẫn thực hiện giao dịch thì người sử dụng CMND và sổ hộ khẩu của người khác không bị phạm tội và hai đơn vị này cũng phải chịu trách nhiệm phần tổn thất của mình nếu có. Về trách nhiệm dân sự, trong trường hợp này người có CMND và hộ khẩu hoàn toàn không có lỗi nên không phải chịu trách nhiệm về những giao dịch của người giả mạo mình. Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM NGUYỄN HIỀN ghi |