Tố khách hàng lên Facebook để đòi nợ

Anh MTC ở phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM đã đến Pháp Luật TP.HCMcầu cứu vì anh bị một công ty tài chính tố cáo đến công an do vay tiền mà chưa trả kịp.

Không trả nợ, bị dọa tố hình sự

Anh MTC trình bày: Đầu năm 2016, anh ký hợp đồng vay tín chấp với Công ty Tài chính F. trực thuộc một ngân hàng có tên tuổi (gọi tắt là Công ty F.) để vay hơn 60 triệu đồng. Theo hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên thì hằng tháng anh MTC phải trả cho Công ty F. hơn 3 triệu đồng và trả trong vòng 36 tháng.

Sau khi vay, anh MTC trả được bốn tháng thì gia đình gặp khó khăn nên không trả đúng hẹn theo như cam kết ban đầu.

Đầu tháng 4 vừa rồi, có một tài khoản Facebook lấy ảnh đại diện của anh rồi kết bạn với bạn bè anh. Trên dòng thời gian của Facebook này có ảnh đại diện của anh kèm những hình ảnh, thông tin anh mắc nợ và đang bị ngân hàng tố cáo đến công an về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, trên Facebook còn có cả giấy triệu tập của Cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai đối với anh MTC để xác nhận hồ sơ khởi kiện về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với đại diện ngân hàng của Công ty F.

Anh MTC liên hệ với bên Công ty F. thì đơn vị này xác nhận vì anh không thanh toán nợ nên đã đăng thông tin lên Facebook. Anh còn nhận được cuộc gọi của một người xưng tên Thùy, người của cơ quan THA Đồng Nai - nơi anh đăng ký thường trú. Trong đoạn trao đổi với anh MTC, người này cho biết hiện bên tòa và THA nhận được đơn của ngân hàng tố cáo anh có hành vi lừa đảo và… yêu cầu tòa xét xử lưu động (!).

“Tôi biết nợ là phải trả nhưng vì tôi đang gặp khó khăn về tài chính nên chưa có tiền để trả. Những thông tin mà Công ty F. đăng trên Facebook khiến tôi mang nhục với bạn bè. Có những người bạn hiểu thì còn đỡ, còn có những người không hiểu họ xa lánh tôi, xem tôi như một tội phạm. Nếu Công ty F. kiện tôi ra tòa thì đây cũng chỉ là vụ án dân sự thôi chứ làm gì mà trong đơn tố cáo bảo tôi là bị can và yêu cầu xử lưu động tôi?” - anh MTC bức xúc.

Anh MTC phản ánh tại báo Pháp Luật TP.HCM và trang Facebook của Công ty Tài chính F. tố anh C. Ảnh: NGUYỄN HIỀN. Giấy triệu tập giả mạo cơ quan thi hành án huyện Cẩm Mỹ của Công ty Tài chính F. và giấy triệu tập đúng mẫu quy định của ngành thi hành án huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: VŨ HỘI

Đăng Facebook để nhắc nợ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công ty F. cho biết đối với trường hợp khách hàng MTC, bộ phận thu hồi nợ của công ty đã thông báo đến khách hàng thời hạn thanh toán và nhắc nợ khách hàng theo quy trình. Khách hàng đã hứa hẹn thanh toán rất nhiều lần nhưng sau sáu kỳ thanh toán với tổng số tiền hơn 18 triệu đồng thì đã không trả nữa.

“Theo hợp đồng vay tín dụng giữa khách hàng và công ty thể hiện nếu khách hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ thì ngoài các biện pháp xử lý để thu hồi nợ, công ty có quyền công khai cung cấp thông tin cho bên thứ ba. Đồng thời công ty có thể đăng tải lên phương tiện thông tin đại chúng về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ của khách hàng” - đại diện Công ty F. nói.

Đại diện phía Công ty F. giải thích: Nhân viên thu hồi nợ của công ty đã đăng tải thông tin lên trang Facebook tự tạo như một biện pháp nhắc nợ. Sau khi nhân viên thu hồi nợ liên hệ được khách hàng qua Facebook, khách hàng hứa sẽ thanh toán nợ vào ngày 21-4. Hiện những thông tin nhân viên đăng trên Facebook đã được gỡ xuống và đóng Facebook. Tuy nhiên, đến thời điểm này khách hàng vẫn tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ cam kết. Vì thế, công ty đang tiến hành thủ tục khởi kiện khách hàng theo quy định của pháp luật.

Giấy triệu tập là giả mạo!

Ông Trần Công Phúc, Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, cho biết: Sau khi nhận được thông tin từ Pháp Luật TP.HCM, THA dân sự huyện Cẩm Mỹ đã rà soát toàn bộ hồ sơ và khẳng định đơn vị không xử lý hồ sơ nào liên quan đến anh MTC và Công ty Tài chính F.

“Tôi khẳng định ngay giấy triệu tập này là giả mạo vì không theo đúng mẫu quy định của cơ quan THA. Ngoài ra, giấy triệu tập không có chữ ký của chấp hành viên, cũng không có con dấu của cơ quan THA nên không đảm bảo tính chất pháp lý. Bên cạnh đó, giấy triệu tập này có quá nhiều điểm sai cơ bản mà ai cũng có thể nhận thấy. Ví dụ, ngày trên đầu tờ giấy triệu tập ghi: “Tổng cục (Cục) THADS Đồng Nai, Cục (Chi cục) THADS huyện Cẩm Mỹ - Đồng Nai” là sai nghiêm trọng. Trên giấy triệu tập đúng của THA dân sự phải ghi là: “Cục THA dân sự tỉnh Đồng Nai, Chi cục THA dân sự huyện Cẩm Mỹ”, không được ghi tắt. “Bên cạnh đó, cấp tỉnh là Cục THA dân sự, sao lại ghi là Tổng cục THA dân sự?” - ông Phúc chỉ rõ.

Ông Phúc đề nghị anh MTC mang những giấy tờ liên quan vụ việc đến THADS huyện Cẩm Mỹ để nơi đây xem xét và có thể yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra lãm rõ mục đích của việc làm giấy tờ giả mạo này.

VŨ HỘI

_______________________________

Vi phạm pháp luật

Trong trường hợp này, Công ty Tài chính F. đã thực hiện việc đòi nợ đi quá giới hạn cho phép theo quy định của pháp luật. Nếu đến hạn mà người vay không trả thì công ty có quyền khởi kiện người vay ra tòa án. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mà người vay vẫn không thực hiện thì công ty có quyền yêu cầu cơ quan THA thi hành bản án này.

Nếu Công ty F. đưa thông tin không đúng sự thật lên Facebook làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của anh MTC thì anh C. yêu cầu Công ty F. dừng ngay việc phát tán, gỡ bỏ thông tin không đúng sự thật và có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai. Người đăng thông tin có thể còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 166 Nghị định 174/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện) với mức phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với các hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Nếu nhân viên Công ty Tài chính F. làm giả tài liệu của cơ quan THA để hù dọa anh MTC thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 267 BLHS về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền 5-50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm