Trước tình trạng xây nhà lụi, nhiều ý kiến cho rằng việc tháo dỡ chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Cái cần hơn là phải có biện pháp xử lý tận gốc để người dân lẫn chính quyền không phải “khổ sở” về chuyện này nữa, trong đó đặc biệt là phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu.
“Cùng một vấn đề, tại sao ba quận 8, 9, Tân Bình có thể xử lý và kiểm soát tốt tình trạng xây nhà không phép? Dứt khoát lãnh đạo huyện Bình Chánh phải xem lại vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý địa bàn. Trong một tháng làm quyết liệt như vậy mà vẫn phát sinh 149 trường hợp là không chấp nhận được. Giống như địa phương này vô chủ vậy” - Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nói tại cuộc họp ngày 19-7.
Ông Phan Đức Nhạn (Phó Giám đốc Sở Xây dựng) đề xuất: Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thì mới giải quyết được tận gốc của vấn đề. Bài học này rút ra từ thực tiễn của ba quận 8, 9 và Tân Bình. Chỉ khi có người đứng ra chịu trách nhiệm cụ thể (ở đây là bí thư và chủ tịch các địa phương) thì mới dẹp được tình trạng xây nhà không phép và các “đầu nậu” lộng hành.
Cưỡng chế tháo dỡ nhà xây không phép tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh ngày 16-7. Ảnh: XUÂN NGỌC
Chủ tịch Lê Hoàng Quân nêu thêm, chính người dân bức xúc nên đã gửi thư tới lãnh đạo TP chỉ mặt, nêu tên cụ thể một phó chủ tịch xã có liên quan đến việc chung chi, tiếp tay cho xây dựng không phép (hiện cơ quan chức năng đang xử lý). Ông Quân nhắc: “Hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở có dày đặc hết mà tới hồi người ta xây nhà chui mà không ai biết hết? Đặt câu hỏi này để thấy được trách nhiệm của mình chứ không thể khoán trắng công việc này cho thanh tra xây dựng. Lãnh đạo địa phương cần nghe dân nhiều hơn, không biết thì hãy hỏi dân, dân biết hết”.
Một người dân ở huyện Bình Chánh cho rằng phải xử lý nghiêm lãnh đạo địa phương nếu để xảy ra tình trạng xây nhà không phép. Nếu phát hiện thấy có sự móc ngoặc, bảo kê cho các “đầu nậu” xây nhà thì kiên quyết cho thôi chức, thậm chí là phải xử lý hình sự. Có làm mạnh như vậy thì mới mong chấm dứt được tình trạng này.
Tập trung lực lượng tiến hành “giải tỏa trắng” từng khu vực nóng và bàn giao ngay địa bàn cho địa phương quản lý đi kèm theo các giải pháp tăng cường kiểm soát, quản lý sau cưỡng chế... (Đề xuất của Sở Xây dựng) Một số người dân bức bí chỗ ở, thấy sai nhưng vẫn làm để rồi bị xử lý. Thiết nghĩ mỗi người phải nâng cao ý thức hơn nữa chứ cứ làm liều rồi gây nhiều hệ lụy là không được. Ngoài ra, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể phải thường xuyên vận động và nâng cao ý thức của người dân để không là “miếng mồi ngon” cho bọn “đầu nậu” tự tung tự tác để rồi tiền mất tật mang. TRẦN VĂN (ngovantran@...) Đến thời điểm này, 52 “đầu nậu” đã nằm trong danh sách của Công an huyện Bình Chánh. UBND TP cũng đang xem xét tạm đình chỉ công tác của lãnh đạo một số địa bàn xảy ra sự việc, sau khi điều tra không phát hiện ra sai phạm thì sẽ phục chức. Dư luận vẫn đang chờ đợi những động thái kiên quyết tiếp theo của chính quyền để lập lại trật tự, kỷ cương và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. LÊ THỊ HOA (Thủ Đức) |
VIỆT HOA
Trước khi chủ tịch xã bị kỷ luật thì các đ/c hãy kỷ luật Thanh tra XD đi đã, Không thể nói TTXD không biết được . TTXD rất tinh tường chỉ cần ngồi uống cà phê chỗ vựa bán vật liệu XD là biết ở đâu có XD rồi.Không ai XD mà qua mắt được TTXD đâu.
Tui đi sữa nhà cho người ta , chỉ cần chở đến một xe ba gác cát là mấy ông khu phố và đô thị phường đã đến rùi . Cán bộ địa phương có ăn tiền thì mới làm lơ thui .
Không phải chính quyền chỉ có lỗi thôi đâu, thậm chí có địa phương lãnh đạo được chung chi rất nhiều tiền để làm ngơ cho đầu nậu xây dựng rồi bán lại cho người dân giá cao, đến khi vỡ lỡ người chịu thiệt vẫn hoàn toàn thuộc về người mua nhà.
Nếu không có chung chi cho cán bộ quản lý hoặc bao che của chính quyền địa phương(nhất là cấp xã, phường) thì không một người dân nào xây nhà không phép được.