Định giá lại tài sản thi hành án: Nơi gật, nơi lắc

Theo Điều 59 Luật Thi hành án (THA) dân sự, nếu bản án xử cho một bên được nhận tài sản và phải thanh toán giá trị tài sản họ được nhận nhưng tại thời điểm THA giá tài sản thay đổi và một trong các bên đương sự có yêu cầu thì tài sản được định giá lại để THA. Quy định thoạt nghe cũng đơn giản, rõ ràng nhưng trên thực tế một số cơ quan THA lại áp dụng không thống nhất.

Chỗ đồng ý…

Khi xét xử vụ án ly hôn của bà Nguyễn Thị Hồng (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), bản án phúc thẩm năm 2006 của TAND tỉnh Đồng Nai tuyên: Về tài sản, bà Hồng được quyền sử dụng 493 m2 đất trị giá hơn 79 triệu đồng…; ông L. được quyền sở hữu một căn nhà trị giá hơn 12 triệu đồng, 31,6 m2 đất. Bà Hồng thanh toán chênh lệch tài sản cho ông L. hơn 41 triệu đồng. Ngoài ra, tòa này còn tuyên kể từ ngày ông L. có đơn yêu cầu THA, nếu bà Hồng chưa thanh toán tiền thì hằng tháng bà phải trả lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tháng 5-2010, tức gần bốn năm sau, bà Hồng đã tự nguyện nộp số tiền trên để THA.

Bất ngờ, ông L. có đơn đề nghị định giá lại miếng đất của bà Hồng vì “giá trị tài sản tại thời điểm THA có thay đổi”. Chi cục THA Dân sự huyện Trảng Bom đã xin ý kiến chỉ đạo và được Cục THA tỉnh Đồng Nai trả lời cứ làm theo các điều 59, 98 Luật THA dân sự. Theo đó, Chi cục THA Dân sự huyện đã tổ chức định giá lại và yêu cầu bà Hồng phải nộp thêm 50 triệu đồng tiền chênh lệch cho ông L. Không đồng ý với cách xử lý này, bà Hồng đã khiếu nại. Tuy nhiên, Chi cục THA Dân sự huyện và Cục THA Dân sự tỉnh đều bác đơn khiếu nại của bà.

Định giá lại tài sản thi hành án: Nơi gật, nơi lắc ảnh 1

Trong khi đó, vào ngày 13-9 vừa qua, ông Đặng Anh Tú, Phó Viện trưởng VKSND huyện Trảng Bom, đã ký công văn gửi Chi cục THA huyện khẳng định: “Hướng dẫn nghiệp vụ của Cục THA Dân sự tỉnh chưa chính xác”. Theo Viện, khi cả bà Hồng và ông L. đều được nhận tài sản thì không thể áp dụng Điều 59 để giải quyết vụ việc. Tòa tuyên ông L. được nhận số tiền chênh lệch thì cơ quan THA cứ giải quyết cho ông nhận số tiền này. Ông Tú cho biết cơ quan ông đã kiến nghị VKS tỉnh kháng nghị quyết định giải quyết khiếu nại và văn bản chỉ đạo của Cục THA Dân sự tỉnh Đồng Nai.

Chỗ không…

Ông Phan Xà Rương (quận 6, TP.HCM) cũng là bị đơn trong một vụ án ly hôn. Xét xử phúc thẩm vụ án vào tháng 5-2010, TAND TP.HCM cho phép nguyên đơn là bà U. được sở hữu một căn nhà tại quận 6, đồng thời có nghĩa vụ thanh toán cho ông Rương 1/2 giá trị nhà, đất là hơn 1,2 tỉ đồng.

Tháng 8-2010, ngay lần đầu lên làm việc với Chi cục THA Dân sự quận 6 về việc THA, ông Rương đã có đơn đề nghị định giá lại nhà theo Điều 59 luật trên. Lý do đưa ra: Qua thu thập thông tin ông được biết căn nhà có giá cao hơn so với mức giá mà hội đồng định giá đã định vào hai năm trước. Sau đó, ông tiếp tục đưa ra yêu cầu này rất nhiều lần nhưng đều không được Chi cục THA Dân sự quận 6 chấp thuận. Cơ quan này cho biết họ làm theo chỉ đạo của Cục THA Dân sự TP.HCM: “Chỉ khi nào hai bên đương sự đồng ý thì mới định giá lại tài sản”.

Cần có hướng dẫn liên tịch

Theo tôi, việc định giá lại của Chi cục THA Dân sự huyện Trảng Bom và việc không định giá lại của Chi cục THA Dân sự quận 6 đều không đúng quy định. Ở vụ thứ nhất, do cả hai bên đều được nhận tài sản nên vụ việc không thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều 59 Luật THA dân sự. Nếu có đơn yêu cầu THA thì ngoài số tiền chênh lệch (hơn 41 triệu đồng), người được THA còn được thanh toán tiền lãi theo lãi suất nợ quá hạn như án đã tuyên; trường hợp không có đơn yêu cầu thì ông chỉ được nhận tiền chênh lệch. Ở vụ hai, nếu một bên chứng minh được giá nhà có thay đổi vào thời điểm THA và có yêu cầu định giá lại nhà thì cơ quan THA không có quyền từ chối.

Không rõ tại hội nghị tổng kết ngành, đại diện Tổng cục THA Dân sự đã nói gì về Điều 59 nhưng xem chừng phần trình bày như đã nêu của đại diện Cục THA Dân sự TP.HCM không đúng với tinh thần của điều luật này. Khi điều luật đã nói rõ “một trong các bên đương sự có yêu cầu định giá lại tài sản nếu tại thời điểm THA giá tài sản thay đổi”, tại sao các cơ quan thực thi lại đưa ra những ràng buộc ngược lại theo hướng chỉ chấp thuận nếu cả hai bên đương sự có yêu cầu?

Tuy nhiên, có một nội dung cần lưu ý thêm, khi bản án đã tuyên rõ số tiền mà một bên phải giao, nếu kết quả định giá lại cao hoặc thấp hơn so với giá định ban đầu thì việc THA theo kết quả mới (cao hơn hoặc thấp hơn số tiền ghi trong bản án) có ổn thỏa vì trái với án tòa? Để các cơ quan THA địa phương có căn cứ thực hiện thống nhất, Tổng cục THA Dân sự cần tham mưu để Bộ Tư pháp phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao ban hành một thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể: Trường hợp nào được định giá lại, trường hợp nào không; cách xử lý đối với những khoản tiền chênh lệch.

Luật sư TÔ NGỌC MINH TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Không chấp nhận yêu cầu của một bên

Do chưa có văn bản hướng dẫn Điều 59 luật trên nên trước mắt, theo thông báo của Tổng cục THA Dân sự trong cuộc họp tổng kết ngành sáu tháng đầu năm, có một số điều cần lưu ý sau:

- Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc định giá lại tài sản để thanh toán tiền cho nhau tương ứng với tỉ lệ giá trị tài sản được chia tại thời điểm THA thì cơ quan THA tổ chức định giá tài sản để THA theo thỏa thuận đó.

- Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được thì cơ quan THA không tổ chức định giá tài sản mà thực hiện việc THA theo đúng nội dung bản án. Theo đó, bên được nhận tài sản được THA nhận tài sản, bên được nhận tiền được nhận tiền và lãi suất chậm THA theo nội dung án tuyên.

Ví dụ: A và B có tài sản chung là một căn nhà. Tòa tuyên cho B sở hữu căn nhà với điều kiện phải thanh toán cho A giá trị 1/2 căn nhà tại thời điểm THA. Trong trường hợp này nếu khi THA cả hai bên hoặc một trong hai bên yêu cầu định giá nhà thì cơ quan THA sẽ tiến hành định giá để THA. Thế nhưng nếu tòa tuyên B được sở hữu nhà và phải thanh toán cho A số tiền 200 triệu đồng (giá trị 1/2 căn nhà) thì một trong hai bên không có quyền yêu cầu định giá căn nhà.

Ông VŨ QUỐC DOANH,
Phó Cục trưởng Cục THA Dân sự TP.HCM

PHƯƠNG LOAN - KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm