Quấy rối tình dục: Vì sao chỉ 4% phụ nữ bị quấy rối đi tố cáo?

(PLO)- Sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo vệ những nạn nhân mạnh dạn lên tiếng, dám tố cáo hành vi quấy rối tình dục là cực kỳ cần thiết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quấy rối tình dục là vấn đề đáng báo động với hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Quấy rối tình dục gây ra những tác động vô cùng to lớn cho toàn xã hội nói chung và cho những nạn nhân của quấy rối tình dục nói riêng.

Nạn nhân của việc quấy rối tình dục không chỉ bị ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tinh thần mà còn bị ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền, sự tự do và phát triển của họ trong xã hội.

Chuyện như đùa: Quấy rối tình dục, phạt 200.000 đồng

Trong thời gian qua, ở nước ta xảy ra nhiều vụ quấy rối tình dục gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tối 4-3-2019, một người đàn ông quấy rối tình dục một nữ sinh viên bằng hình thức cưỡng hôn trong thang máy chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền con người này bị lên án mạnh mẽ.

quay-roi-tinh-duc-la-gi.jpeg
Hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng đáng bị lên án và xử lý mạnh. Ảnh minh hoạ

Thế nhưng, các khoảng trống pháp lý lúc đó không đủ cương toả hành vi này với một chế tài thích đáng. Việc xử phạt người quấy rối tình dục với mức tiền phạt 200.000 đồng đã không bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa trong xã hội.

Mức phạt không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đã làm cho nhiều người chua chát thốt lên "pháp luật gì mà kỳ lạ". Nhiều người còn tếu táo "chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng là có thể ngang nhiên cưỡng hôn, ôm ấp, vuốt ve một người bất chấp sự phản kháng của người đó".

Trước năm 2021, khi xuất hiện hành vi quấy rối tình dục nói chung, người có thẩm quyền chỉ có thể áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 để xử phạt người vi phạm về hành vi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” với mức tiền phạt 100.000 - 300.000 đồng.

Rõ ràng, mức phạt này là quá thấp, không đủ sức răn đe người vi phạm, thậm chí trong một số trường hợp mức phạt này còn là sự mỉa mai, nhạo báng phẩm hạnh của người bị quấy rối. Điều này có thể dẫn đến một tiền lệ xấu trong xã hội khi người vi phạm sẵn sàng "chi trả" 100.000 - 300.000 đồng để "vô tư" thực hiện hành vi quấy rối.

Khắc phục hạn chế này, khi ban hành Nghị định 144/2021, Chính phủ đã quy định xử phạt hành vi "sàm sỡ, quấy rối tình dục" với mức tiền phạt 5-8 triệu đồng, tức tăng gấp 32 lần so với mức tiền phạt được quy định tại Nghị định 167/2013.

Đa dạng hành vi quấy rối tình dục

Tuy nhiên, bất cập phát sinh là pháp luật hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể cũng như các biểu hiện của quấy rối tình dục. Điều này có thể xuất phát từ tính nhạy cảm của vấn đề tình dục cũng như sự đa dạng của các hành vi liên quan đến quấy rối tình dục.

Hiện nay, pháp luật chỉ mới giải thích thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 thì "quấy rối tình dục tại nơi làm việc được hiểu là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận". Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động (Điều 84 Nghị định 145/2020).

Đồng thời, Điều 84 Nghị định 145/2020 cũng giải thích cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo đó, việc quấy rối có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

Trong môi trường làm việc, quấy rối tình dục thể hiện rất đa dạng, bao gồm hành vi mang tính thể chất (tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục), bằng lời nói (nói trực tiếp, qua điện thoại những vấn đề có nội dung tình dục) hoặc phi lời nói (ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục).

Khó xử lý triệt để

Thế nhưng, quấy rối tình dục có thể diễn ra ở nhiều nơi chứ không khu biệt trong phạm vi nơi làm việc. Vì lẽ này mà việc quấy rối tình dục khi diễn ra ở công viên, rạp hát hoặc những nơi công cộng khác thì lại khó có thể xử lý triệt để. Trong khi đó, hành vi quấy rối tình dục lại đa phần xảy ra ở những nơi công cộng (như công viên vắng người hoặc các phương tiện công cộng).

Có thể thấy nội hàm của "nơi làm việc" và "nơi công cộng" là không đồng nhất. Do đó, bản chất của hành vi quấy rối tình dục diễn ra tại hai địa điểm này cũng sẽ không tương đồng, có thể được thể hiện dưới các hình thức khác nhau.

Việc thiếu các quy định giải thích cụ thể về hành vi quấy rối tình dục sẽ dẫn đến thực trạng người dân vì không có nhận thức rõ ràng, không hiểu rõ hình thức nào được coi là quấy rối tình dục nên vi phạm sẽ ngày càng phổ biến, nghiêm trọng hơn. Hơn thế, sẽ có trường hợp, nạn nhân của hành vi quấy rối sẽ chọn cách im lặng chứ không tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền, vì họ cho rằng pháp luật về vấn đề này còn quá mơ hồ, không có căn cứ vững chắc để xác định hành vi vi phạm.

Chỉ 4% phụ nữ bị quấy rối nộp đơn tố cáo

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã thực hiện một nghiên cứu trên 4,5 triệu nhân viên Pháp từ năm 2017 đến 2019. Kết quả cho thấy 52% nữ giới và 27% nam giới là nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên chỉ 4% nữ giới và 10% nam giới nộp đơn trình báo, khiếu nại.

Vấn đề xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người lao động cố gắng giữ gìn trật tự nơi công sở, các mối quan hệ với đồng nghiệp và thậm chí để bảo đảm cả công việc của bản thân.

Thiếu những quy định trong nội bộ về quấy rối tình dục

Vấn nạn quấy rối tình dục càng trở nên nghiêm trọng hơn ở các quốc gia châu Á. Theo một nghiên cứu của ĐH RMIT Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ bị quấy rối tình dục ở châu Á cao gấp 1,7 lần so với trung bình trên thế giới.

Sở dĩ như vậy vì ở các nước châu Á đề cao tính cộng đồng. Sự hoà khí đôi khi lại là rào cản trong việc nhận thức và lên án hành vi quấy rối tình dục. Bên cạnh sự mặc cảm, sợ xấu hổ dẫn đến không dám tố cáo hành vi quấy rối tình dục thì không thể không nhắc đến sự xuề xoà của các vị lãnh đạo trong việc cụ thể hoá các hành vi liên quan đến quấy rối tình dục vào quy chế, nội quy công ty.

Quấy rối tình dục là một hình thức bạo lực trên cơ sở giới. Nó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thể chất mà còn có thể ảnh hưởng đến tinh thần của người bị quấy rối, khiến họ sợ hãi, xấu hổ, tự cô lập, thậm chí dẫn đến tự tử. Do đó, xóa bỏ quấy rối tình dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ quyền con người, bảo đảm một xã hội văn minh, tiến bộ.

Muốn làm được điều này, chắc chắn không thể thiếu các công cụ pháp lý vững chắc. Bên cạnh đó, sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo vệ những nạn nhân mạnh dạn lên tiếng, dám tố cáo hành vi quấy rối tình dục là cực kỳ cần thiết. Với một hệ thống các phương thức, biện pháp, giải pháp đồng bộ, khả năng vấn nạn quấy rối tình dục có thể được hạn chế đến mức thấp nhất.

Các nước xử lý hành vi quấy rối tình dục ra sao?

Định nghĩa về quấy rối tình dục ở một số nước, như Mỹ, Singapore gần như tương tự nhau. Về cơ bản, đó là là những hành vi có tính chất tình dục mà không được người khác đồng thuận. Những hành vi đó có thể bao gồm lời nói, gửi hình ảnh, ánh nhìn, cử chỉ có tính chất tình dục khiến người khác khó chịu, trong cả trường hợp trực tuyến lẫn trực tiếp.

Ở Singapore, luật cơ bản liên quan đến quấy rối tình dục là Đạo luật Bảo vệ khỏi Quấy rối (POHA). Theo trang PKWA Law Practice, việc xử phạt các hành vi quấy rối sẽ tùy mức độ và tùy hành vi phi thể chất hay thể chất.

Chẳng hạn, về hành vi quấy rối phi thể chất, phần 3 của POHA quy định bất kỳ người nào cố tình gây quấy rối bằng từ ngữ, đe dọa, lăng mạ,...là phạm tội. Nếu bị kết án, người đó có thể bị phạt tù tối đa 6 tháng hoặc phạt tiền không quá 5.000 SGD (khoảng 93 triệu đồng) hoặc cả hai.

Mục 7 của POHA hình sự hóa hành vi rình rập trái pháp luật. Nếu bị kết tội này thì có thể bị phạt tiền không quá 5.000 SGD, phạt tù tối đa 12 tháng hoặc cả hai.

Trong những trường hợp như nhìn trộm, mục 377BB của Bộ luật Hình sự Singapore quy định rằng nếu bị kết tội có thể bị phạt tù lên tới 2 năm, phạt tiền, đánh roi hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của cả ba hình thức xử phạt này.

Đối với các hành vi quấy rối về mặt thể chất, nếu bị kết tội, người đó có thể bị phạt theo mục 3 của POHA hoặc theo Bộ luật Hình sự, trong đó quy định các hình phạt đối với một số hành vi phạm tội nhất định.

Chẳng hạn, điều 354 của Bộ luật Hình sự quy định các hình phạt đối với hành vi hành hung hoặc sử dụng vũ lực nhằm xúc phạm sự đoan chính của một người. Nghi phạm có thể bị phạt tù tới 3 năm, phạt tiền, đánh đòn hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của cả ba.

Nếu hành vi quấy rối kéo dài đến hiếp dâm, điều 375 và 376 của Bộ luật Hình sự quy định mức án lên tới 20 năm tù, phạt tiền và đánh roi.

Còn ở Mỹ, ở nhiều tiểu bang, hành vi sai trái về tình dục (sexual misconduct), bao gồm quấy rối tình dục, được coi là tội nhẹ và có thể phải ngồi tù, quản chế hoặc phạt tiền, theo trang Justia.

Khi hành vi đặc biệt nghiêm trọng hoặc bị cáo tái phạm, có thể bị buộc tội trọng tội và thời gian phạt tù lâu hơn. Ngoài ra, việc bị buộc tội có hành vi sai trái về tình dục có thể dẫn đến việc bị đưa vào danh sách tội phạm tình dục, điều này có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm trong tương lai.

Khi hành vi sai trái về tình dục xảy ra do một người lạm dụng quyền lực, ví dụ như ỷ có chức vụ cao hơn để quấy rối cấp dưới, người đó có thể bị mất việc và có thể bị cấm đảm nhận vị trí tương tự trong tương lai. ĐỨC HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm