Dứt tình chị em vì cây xoài

Bà B. là chị chồng của bà H. Lâu nay, hai nhà vẫn sử dụng khoảng sân trống chưa tới 9 m2 để ra đường Thiên Hộ Dương (phường 1, quận Gò Vấp). Khoảng sân này nằm bên hông nhà bà B. và nằm phía sau nhà bà H. Góc sân có một cây xoài trồng cách đây cũng đã mấy chục năm.

Bên muốn giữ, bên đòi đốn

Bà H. muốn đốn cây xoài vì cho rằng nó đã quá cao lớn và nghiêng vào nhà mình gây nguy hiểm. Khi trời mưa, cây ngả qua ngả lại, đập vào mái tôn làm hư tôn và dột nhà. Song bà B. không đồng ý đốn cây. Theo bà, hiện trạng cây xoài không thay đổi, không ngả nghiêng, không gây nguy hiểm như nhận định của bà H. Hơn nữa, đây là kỷ vật do cha mẹ qua đời để lại, không thể đốn bỏ.

Hòa giải tại UBND phường vào tháng 3-2008, bà B. cam kết sẽ mé những nhánh cây mọc chìa qua nhà em mình. Mới đây, bà H. lại nộp đơn yêu cầu chính quyền địa phương cho đốn cây. Theo bà H., cây xoài nằm trên khoảng sân chung nên là tài sản chung. Bà có quyền đốn cây mà không phải đền bù bất cứ khoản tiền nào cho chị chồng. Đáp lại, bà B. khẳng định khoảng sân trên thuộc quyền sử dụng của riêng mình. Trước nay bà chỉ cho gia đình em đi nhờ nên họ không thể tự ý đốn cây được.

Tình chị em hẳn không căng thẳng đến mức phải “gặp nhau làm ngơ” nếu mọi chuyện chỉ đơn giản là đốn hay giữ cây xoài. Trước đây, các bên từng tranh chấp về khoảng sân có trồng cây xoài vốn đã được dùng để làm lối đi chung. Thậm chí họ đã từng kéo nhau ra tòa.

Lối đi chung có thuộc sở hữu chung?

Để ra đường Thiên Hộ Dương, hai bên đều phải đi qua khoảng sân nói trên. “Giấy hồng” của căn nhà bà B. đang ở được cấp từ năm 2003, ghi bà là đại diện thừa kế. Đến tháng 7-2005, các đồng thừa kế lập hợp đồng tặng cho và trao cho bà B. toàn quyền sở hữu căn nhà. Diện tích nhà đất trong hợp đồng tặng cho trùng khớp với diện tích thể hiện trên “giấy hồng”. Như vậy, các đồng thừa kế đã ký tặng bà B. cả khoảng sân.

Trong khi đó, căn nhà bà H. mua từ chủ cũ vào năm 1999 không bao gồm khoảng sân này. Tuy nhiên, bà B. đã đồng ý cho bà H. dùng chung sân để đi ra đường Thiên Hộ Dương. Theo thỏa thuận, nếu bà H. bán nhà thì phải tự động bít cửa sau lại, nếu bà B. bán nhà thì phải chừa lối đi cho hộ của bà H.

Lối đi chung được mở thông thoáng. Ngặt nỗi, sơ đồ nhà đất trên “giấy hồng” mà bà B. được cấp cho thấy lối đi chung bị ngắt ngang. Bà H. khiếu nại yêu cầu điều chỉnh lại “giấy hồng” của bà B. cho đúng hiện trạng thực tế.

Tháng 3-2006, UBND quận Gò Vấp có công văn hướng dẫn bà H. khởi kiện tại tòa án. Bởi lẽ phần đất tranh chấp đã được cấp “giấy hồng” nên theo khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai, chỉ có tòa án mới được quyền giải quyết.

Vậy là bà H. kiện chị chồng ra tòa. Tháng 6-2006, TAND quận Gò Vấp ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, bà B. phải liên hệ Phòng Tài nguyên và Môi trường quận để chỉnh sửa lại “giấy hồng”, xóa phần vẽ ngăn cách lối đi chung. Một tháng sau, Thi hành án dân sự quận Gò Vấp ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của bà H.

Tháng 8-2008 vừa qua, UBND quận Gò Vấp đã ra quyết định thu hồi và hủy bỏ “giấy hồng” của bà B. nhằm điều chỉnh cắt trừ phần diện tích làm lối đi chung giữa hai nhà. Bà B. phản đối việc bị cắt trừ diện tích. Theo bà, quyết định của TAND quận Gò Vấp chỉ ghi nhận bà có trách nhiệm xóa phần vẽ ngăn cách lối đi chung chứ không phủ nhận chủ quyền của bà đối với khoảng sân. Chính các đồng thừa kế đã đồng thuận ký tặng cả khoảng sân cho bà. Như cam kết, bà vẫn để gia đình người em sử dụng sân làm lối đi chung nhưng chủ quyền vẫn thuộc về bà. Giả sử khoảng sân này vướng quy hoạch cần giải tỏa, bà phải là người nhận tiền bồi thường.

Hiện hai bà vẫn tiếp tục tranh chấp nhằm giành quyền xử lý cây xoài, đồng thời tranh chấp cả khoảng sân và chưa biết bên nào thắng. Nhưng xem ra thì phần đất chưa tới 9 m2 đã cắt đứt tình chị chồng em dâu phải nhờ duyên trời cho thì mới có được.

Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn luật sư TP.HCM:

Ai bồi thường nếu cây xoài gãy đổ?

Giả sử cây xoài gãy đổ gây thiệt hại cho bà H., trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu của cây xoài. Nếu cây xoài thuộc quyền sở hữu của bà B. thì bà phải bồi thường thiệt hại. Nếu cây xoài thuộc quyền sở hữu chung của các đồng thừa kế thì họ phải cùng bồi thường. Trong trường hợp này, bà H. cũng là đồng thừa kế, đã cảnh báo khả năng gãy đổ của cây và yêu cầu đốn cây nhưng bị bà B. ngăn cản. Đồng sở hữu nào có hành vi ngăn cản việc đốn cây thì phải có trách nhiệm bồi thường. Về nguyên tắc, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

THỤY CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm