Hẹp hòi làm khổ hàng xóm

Đó là ông Phan Văn Điền, ngụ ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Năm 2002, xuất phát từ những tranh chấp cá nhân với hai hộ ngụ cùng ấp, ông Điền đã tự ý... lấp đường thoát nước công cộng của 20 hộ dân trong khu vực. Suốt năm năm qua, hơn 30.000 m2 đất sản xuất của bà con bị chết cứng: mùa nắng không có đường bơm nước, mùa mưa thì ngập úng.

Ăn miếng trả miếng

Đoạn kênh thoát nước công cộng trên dài 14,7 m, ngang 0,8 m, đi ngang qua đất của ông Điền. Khi ông Điền lấp kênh thì chỉ sau vài cơn mưa, nhà cửa, vườn tược của hai hộ “đối thủ” bị ngập úng nặng. Ngoài ra, hàng chục gia đình khác ở gần đó cũng bị vạ lây. Chính quyền ấp và xã Tam Hiệp đã nhiều lần mời các bên đến hòa giải nhưng ông Điền cương quyết không khai thông kênh và cũng không đồng ý cho các hộ bị thiệt hại đặt ống bọng thoát nước.

Vụ việc tranh chấp được chuyển đến UBND huyện Châu Thành vì ông Điền chưa có “giấy đỏ”. Tháng 9-2003, UBND huyện ban hành quyết định buộc ông Điền phải khai thông kênh thoát nước, trả lại nguyên trạng ban đầu. Bởi lẽ kênh thoát nước ấy đã có từ năm 1963, là nguồn cung cấp và tiêu thoát nước chính của cả khu vực. Song ông Điền đã không tự nguyện chấp hành quyết định nêu trên của huyện.

Chính quyền bó tay?

Cuối năm 2004, UBND huyện Châu Thành cưỡng chế ông Điền thi hành quyết định của huyện bằng cách phá dỡ phần đất san lấp để khôi phục kênh thoát nước. Gia đình ông Điền chống đối quyết liệt. Đã vậy, sau khi đoàn cưỡng chế vừa ra về, ông liền lấp lại kênh thoát nước!

Đến tháng 3-2005, sau khi nhận được khiếu nại của những hộ dân liên quan, UBND huyện Châu Thành đã ra quyết định xử phạt hành chính vợ ông Điền 500.000 đồng do hành vi lấn chiếm đất đai, đồng thời buộc bà trong vòng 10 ngày phải khôi phục kênh thoát nước công cộng. Tuy nhiên, bà này vẫn không chấp hành.

Đầu tháng 4-2006, khi đến lại hiện trường, thay vì buộc ông Điền phải phá dỡ phần san lấp để khôi phục nguyên trạng kênh thoát nước, đoàn thi hành quyết định của huyện lại yêu cầu các hộ dân phải lắp đặt ba ống bọng nhựa (đường kính 0,3 m, dài 4,5 m) để làm đường thoát nước.

Để giải quyết tình trạng ngập úng, các hộ đồng ý lắp ống bọng. Ngặt nỗi sau khi đoàn cưỡng chế ra về, gia đình ông Điền tiếp tục đập phá toàn bộ các ống bọng, lấp lại đoạn kênh thoát nước. Những hộ dân tiếp tục khiếu nại nhưng những người có trách nhiệm của huyện Châu Thành và tỉnh Tiền Giang đều từ chối làm việc với lý do “vụ việc này đã được giải quyết nhiều lần”.

Theo ghi nhận mới đây của chúng tôi, sau những cơn mưa liên tiếp, toàn bộ hoa màu, vườn cây, ao cá ở khu vực đã chìm sâu trong làn nước đục lờ... Nhiều người dân trong vùng lắc đầu ngao ngán: “Chuyện không lớn nhưng dường như chính quyền địa phương đang buông xuôi, để mặc cho một cá nhân tiếp tục sai phạm, làm thiệt hại quyền lợi chính đáng của số đông bà con”.

Theo Điều 282 Bộ luật Dân sự 1996 (Điều 277 Bộ luật Dân sự năm 2005), trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm