Kiểu này, ai “thèm” thi hành án!

Bản án phúc thẩm ngày 4-1-2007 của TAND tỉnh Bến Tre cho phép chị được quyền nuôi con, người cha phải cấp dưỡng nuôi con 300.000 đồng/tháng cho đến khi con tròn 18 tuổi.

Án tuyên vậy nhưng người chồng cũ lại không chịu giao con. Ngày 20-8, sau khi can thiệp bằng nhiều cách theo luật định mà không có kết quả, Thi hành án thị xã Bến Tre đã chuyển hồ sơ đến VKSND thị xã Bến Tre để nơi đây xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự người chồng cũ về tội không chấp hành án.

Người mẹ trẻ cố gắng chờ đợi công lý được thực thi. Nhưng vào ngày 7-11, chị Thu hết sức ngỡ ngàng khi nhận được thông báo liên quan của VKSND thị xã Bến Tre. Cơ quan này cho biết: “Cháu Thịnh đã sống với cha và bà nội từ lúc chị Thu sống ly thân với chồng và hiện tại cuộc sống của cháu Thịnh đã ổn định. Hành vi của người chồng cũ tuy có dấu hiệu phạm tội không chấp hành án nhưng VKSND thị xã xét thấy chưa cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh”!

Trong phiên tòa xét xử ly hôn, trước khi quyết định giao con cho ai nuôi, tòa án đã phải cân nhắc quyền lợi về mọi mặt của đứa bé. Theo Luật Hôn nhân và gia đình, đối với con dưới ba tuổi, người mẹ được quyền nuôi con nếu các bên không có thỏa thuận khác. Khi tòa án đã xử theo hướng này, các cá nhân, tổ chức phải tôn trọng và chấp hành bản án chứ không được làm khác hơn. Là cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm sát việc thi hành án, bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật, lẽ nào VKSND thị xã không nắm được nguyên tắc này? Với cách xử lý nặng tình, nhẹ lý vừa nêu ở trên, làm sao pháp luật bảo vệ quyền được nuôi con hợp pháp của người mẹ? Chẳng lẽ bản án xử ra chỉ để... ngắm vì người không chịu thi hành án sẽ không bị sao cả?

Đề nghị VKSND thị xã Bến Tre và VKSND tỉnh Bến Tre sớm xem xét lại vụ việc để có cách xử lý khác phù hợp với luật định.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm