Mỗi cá nhân phải biết kiềm chế

Đừng tự hại mình

Đúng là càng ngày người ta càng thích sử dụng bạo lực ở mọi nơi, mọi lúc để giải quyết các mâu thuẫn cá nhân. Tôi xin kể ra hai câu chuyện để mọi người cùng nhìn nhận những hạn chế của bản thân, cố gắng loại bỏ dần tình trạng như trên.

Tôi có quen vợ chồng một người bạn, hai người này rất ghét nhau và thường xuyên cãi nhau. Lần đó, người vợ đã gọi anh của mình đến dạy cho chồng một bài học. Và rồi người chồng đã dùng dao đâm thủng ruột người anh vợ. Hậu quả người anh vợ phải nhập viện; người chồng thì đi tù, người vợ phải tự mình bươn chải để nuôi đứa con nhỏ.

Trong một lần đi đường, tôi chứng kiến một vụ đánh nhau mà tôi nghĩ là không đáng dùng nắm đấm hay bạo lực. Một người đàn ông đang chạy xe trên đường thì bị hai thanh niên đi cùng chiều va chạm. Chẳng nói một lời nào người đàn ông dừng xe lại, dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu hai thanh niên. Hai người này lập tức quay lại đánh tới tấp người đàn ông và bỏ đi sau đó, mặc kệ người đàn ông kêu la đau đớn.

Mỗi cá nhân phải biết kiềm chế ảnh 1

Việc dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày dễ bị sa vào vòng lao lý. Ảnh: HTD

Theo tôi, trong khi chờ các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc theo thẩm quyền thì tốt nhất chính mỗi người chúng ta phải biết chọn cách xử lý sao cho chừng mực và trên hết là một nhịn chín lành.

NGUYỄN TÂM (Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế)

Tôi cũng cho rằng mỗi người phải biết kiềm chế bản thân để phần người có thể chiến thắng được phần con. Ở quê tôi, cũng vì gây ra tội ác mà một thanh niên phải kết thúc cuộc đời bằng một bản án tử hình. Đó là một anh chàng vừa tròn 20 tuổi, còn chưa đầy hai tháng là kết hôn. Bi kịch xảy ra trong một buổi trưa, sau khi đi ăn giỗ nhà người thân và có hơi men trong người, anh đã gây ra tội ác với một cháu bé tám tuổi. Sau khi thực hiện hành vi hiếp dâm, vì sợ mọi người phát hiện nên anh đã vùi cháu xuống ao rau muống khi cháu còn thoi thóp thở.

NGUYỄN NGUYÊN HƯƠNG (Long An)

Người phạm tội đôi khi cũng là nạn nhân

Tôi có người bạn rất hiền lành, cuộc sống của anh khép kín trong công việc đồng áng và chăm lo cho gia đình. Lần đó, nghe người quen vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp từ việc xuất khẩu lao động, anh có ý định đi làm việc ở nước ngoài một vài năm để có tiền lo cho vợ con có cuộc sống sung túc hơn. Bán hết những gì có thể và vay mượn thêm từ nhiều người, anh cũng gom góp đủ 40 triệu đồng để đưa cho người giới thiệu.

Chờ hết tháng này qua tháng khác, anh vẫn không được sắp xếp cho đi làm việc. Sốt ruột với khoản lãi phải trả cho số tiền vay, anh yêu cầu người quen nếu không làm được như cam kết thì phải trả lại tiền cho anh. Đến lúc này, người nhận tiền của anh mới hiện nguyên hình là kẻ lừa đảo khi nói rằng đã xài hết tiền rồi! Không kiềm chế được trước sự tráo trở đó, anh đã đánh người đó trọng thương và sa vào vòng lao lý, để lại những khó khăn chồng chất cho người thân.

NGUYỄN VIỆT DŨNG (53/5 KP 2, phường Tân Thới Nhất, quận 12)

Để giúp người bạn có tiền sửa nhà, bạn tôi đã vay giùm một số tiền. Sau đó do bị họ hàng thúc giục trả nợ và bản thân cũng không đòi được nợ, bạn tôi đành phải gom góp tài sản trong nhà đi bán… Không nghe anh nói gì nên tôi cứ tưởng mọi chuyện sẽ dần được dàn xếp.

Thế nhưng ít lâu sau người nhà anh cho biết anh đã bị công an phường mời lên mời xuống xử lý vì anh đánh người mắc nợ gây chấn thương đầu. Gia đình anh phải chật vật, tốn kém thêm tiền của để lo thuốc men cho người bị hại. Cũng may mắn là anh không bị khởi tố vì người bị hại đồng ý bãi nại và ít lâu sau người này cũng xoay xở trả dứt nợ.

Rõ ràng chẳng hay ho gì với việc dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày vì có thể gây ra những hậu quả khó lường.

NGÔ TẤN ĐẠT (Lô O, cư xá Phạm Văn Chí, quận 6, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm