Nạn nhân nghe điện thoại ‘hù’, mất 2 tỉ nói gì?

Bà LTH (trú phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) kể ngày 5-6, bà đang ở nhà thì nhận một cuộc điện thoại với nội dung là bà đang nằm trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy, rửa tiền và trốn thuế đang bị cơ quan công an điều tra. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, phía đầu kia người đàn ông nói có người tên là Hoàng gửi cho bà một bưu phẩm.

“Người này nói bưu phẩm không thể gửi tới địa chỉ của tôi do công an kiểm tra, phát hiện trong bưu phẩm có ma túy và từ đó họ điều tra tôi nằm trong đường dây rửa tiền. Họ còn nói tôi “nếu không tin thì chị bấm phím số 9 để rõ hơn”. Tôi bấm số 9, một người giọng nam thanh niên bắt máy và tự xưng là Đại úy Phạm Tuấn Anh, công tác phòng, chống tội phạm Công an TP.HCM. Người này cho tôi biết bắt được hai người trong đường dây mua bán ma túy và trốn thuế. Hai người này khai tôi nằm trong đường dây này” - bà H. kể lại.

“Họ nói đã có đầy đủ bằng chứng để bắt tôi. Tôi nói mình không có liên quan gì đến ma túy, trốn thuế hay rửa tiền gì đó thì họ bảo sẽ gửi lệnh khởi tố, bắt tạm giam và những phiếu gửi tiền cho tôi” - bà H. kể tiếp.

Bà H. kể lại việc bị nhóm tội phạm lừa đảo và “Lệnh tạm giam” do nhóm tội phạm gửi bà (ảnh dưới). Ảnh: VŨ HỘI

Ngay sau đó, nhóm người này gửi vào điện thoại của bà H. một tờ “Lệnh tạm giam”, trong đó ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND, địa chỉ của bà H. “Vì quá chính xác thông tin lý lịch, địa chỉ nên lúc này tôi mới... tin”.

Sau đó, nhóm người này gọi điện thoại cho bà H. yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cho để không bị phong tỏa tài khoản cá nhân khi bị điều tra. Nhóm người này còn cho biết: “Đây là tài khoản của công an, để kiểm tra tính trong sạch của số tiền. Nếu sau này điều tra mà bà không liên quan thì chúng tôi sẽ hoàn trả đúng số tiền, bà cứ an tâm. Vụ án rất nghiêm trọng và đang quá trình điều tra nên bà không được nói bất kỳ ai”.

Vì lo sợ và nghĩ rằng họ là công an thật, bà H. tin tưởng đã đi chuyển vào tài khoản đó hai lần trong ngày với tổng cộng hơn 2 tỉ đồng.

Sau khi bà H. chuyển tiền xong thì cũng là lúc tất cả số điện thoại vừa liên lạc với bà đã tắt máy. Lúc này bà mới bừng tỉnh, biết mình bị lừa thì đã quá muộn.

Thủ đoạn rất con nít nhưng dân bị lừa hà rầm

Theo báo cáo của CQĐT Công an tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra hơn 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên. Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, mạng điện thoại… là một loại tội phạm mới với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Khi gặp phải các trường hợp có đối tượng gọi điện thoại hoặc vô cớ nhận được lệnh tạm giam thì mọi người phải bình tĩnh, không làm theo những điều chúng dẫn dắt, ngừng tiếp chuyện ngay và trình báo công an để kịp thời xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm