Nghe Bộ trưởng GD-ĐT hứa, càng thấy lo

Tại phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội vừa qua, nội dung trả lời của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân có nhiều điều đáng suy ngẫm.

Thứ nhất, Bộ trưởng cho rằng từ năm 2006 đến nay, lương giáo viên đã tăng gấp 2,1 lần; trung bình các giáo viên trên cả nước có mức lương từ 2,5 triệu đến 4 triệu đồng/tháng. Con số này thật khó chấp nhận vì ở một nước mà nhiều thứ được quy ra vàng thì mức lương năm 2006 (lúc giá vàng 1,1 triệu đồng/chỉ) đến năm 2010 vẫn… y nguyên (vàng 2,7 triệu đồng/chỉ), nếu không muốn nói là thu nhập chung bị thụt lùi. Bộ trưởng có biết mức lương của các giảng viên đại học trẻ chỉ từ 1,3 triệu đến 1,6 triệu đồng/tháng hay không? Trừ tiền thuê nhà khoảng 500.000 đồng, tiền điện nước, xà phòng..., hàng ngàn cán bộ trẻ chỉ còn lại 600.000 đồng/tháng, tức chi tiêu cho ăn uống 20.000 đồng/ngày! Người viết bài này đã giảng dạy ở bậc đại học 33 năm nhưng tổng lương chưa đến 4 triệu đồng. Vậy những giảng viên khác có thâm niên khoảng 5-7 năm lấy đâu ra mức lương cao hơn 2,5 triệu đồng?

Nghe Bộ trưởng GD-ĐT hứa, càng thấy lo ảnh 1

Lương giảng viên, chất lượng đại học luôn là mối quan tâm của xã hội. Ảnh: HTD

Thứ hai, Bộ trưởng hứa như đinh đóng cột ba năm nữa giáo dục đại học sẽ tốt lên. Nghe xong vừa mừng vừa lo. Mừng vì lời hứa lần thứ hai này chắc chắn phải khác với lời hứa lần thứ nhất - “đến năm 2010, giáo viên sống được bằng lương”; còn lo là vì không rõ căn cứ vào đâu mà Bộ trưởng đưa ra thời hạn cụ thể như thế. Nỗi lo này là một thực tế bởi hàng chục năm qua giáo dục nước ta vẫn chưa phát triển bao nhiêu. Vậy mà chỉ cần ba năm mọi thứ sẽ chuyển biến tích cực hơn? Tất nhiên, cụm từ “tốt hơn lên” khá mơ hồ. Một vận động viên nhảy cao có thành tích hơn lần trước 1 cm cũng là “lên”. Nhưng văn hóa, giáo dục không phải là nhảy cao hay nhảy xa, tức là không thể áp đặt cách tính “lên” về số lượng. Nền giáo dục nước ta nhất thiết phải lên về chất lượng, nghĩa là phải được thay đổi một cách toàn diện, triệt để.

Thứ ba, Bộ trưởng kết luận giáo dục Việt Nam có nhiều sai lầm, bất cập nhưng những sai lầm đó đều là... lỗi hệ thống. Và vì nó kéo dài từ năm 1975 nên các bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đều phải chia sẻ. Nói cách khác, mọi bộ trưởng đều có lỗi nhưng không ai có lỗi cả? Cho dù là lỗi hệ thống nhưng lãnh đạo Bộ cần chỉ cho nhà nước và toàn dân biết đó là những lỗi gì để toàn thể cộng đồng huy động trí tuệ, sức mạnh cùng giải quyết.

HÀ VĂN THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm