Nhiều ngã tư thiếu đèn tín hiệu giao thông

Vì tính chất công việc, tôi phải đi lại khắp các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM và thường xuyên chứng kiến cảnh xe cộ va quệt nhau trên đường. Trong số đó có không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đáng nói là tại những giao điểm đường chưa lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tai nạn xảy ra phổ biến hơn.

Cụ thể, đường Đồng Đen đoạn giáp với đường Âu Cơ (thuộc phường 11, quận Tân Bình) được nâng cấp, trải nhựa và đã đưa vào sử dụng từ đầu năm 2010. Ngày nào cũng có lượng lớn xe cộ từ Âu Cơ đổ về hướng Đồng Đen rồi rẽ vào các đường nhánh hoặc ngược lại. Thế nhưng tại hai ngã tư (Đồng Đen-Bàu Cát 9 và Đồng Đen-Hồng Lạc), cơ quan chức năng lại chưa lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Từ chỗ mạnh ai nấy đi nên xe cộ lưu thông qua các ngã tư này rất mất trật tự. Ngoài các vụ tai nạn giao thông, người dân quanh đó còn ngao ngán cảnh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm vẫn xảy ra hằng ngày.

Nhiều ngã tư thiếu đèn tín hiệu giao thông ảnh 1

Xe cộ lưu thông rất lộn xộn tại ngã tư đường Đồng Đen-Bàu Cát 9. Ảnh: T.NHÂN

Tương tự, tại ngã tư Tạ Quang Bửu-Cao Lỗ (thuộc phường 4, quận 8) cũng không có đèn tín hiệu giao thông. Do khu vực ngã tư này rộng và thoáng nên xe cộ từ bốn hướng cứ thoải mái chạy nhanh dẫn đến va quệt, tông nhau rồi kế đó là lời qua tiếng lại giữa những người liên quan. Một người dân gần đó cho hay có ngày nơi đây xảy ra đến 4-5 vụ va quệt.

Tại quận Gò Vấp, ngã ba đường Quang Trung-đường số 21 (phường 8, quận Gò Vấp) cũng không có đèn tín hiệu giao thông để phân luồng và hay xảy ra tai nạn giao thông.

Ba tiêu chí lắp đặt đèn giao thông

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ trên địa bàn TP.HCM được thực hiện dựa vào ba tiêu chí sau đây:

1. Giao lộ mà các hướng lưu thông đều là hướng chính, lưu lượng xe qua nút hơn 600 xe/giờ theo các hướng. Giao lộ có hướng chính và hướng phụ thì lưu lượng qua nút hơn 600 xe/giờ đối với hướng chính, 250 xe/giờ đối với hướng phụ.

2. Các giao lộ được xếp là điểm đen. Cụ thể, theo Quyết định số 13 ngày 2-2-2005 của Bộ Giao thông Vận tải (về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm thường xảy ra tai nạn giao thông trên đường bộ đang khai thác), đó là các giao lộ có hai vụ tai nạn nghiêm trọng (có người chết); ba vụ tai nạn trở lên, trong đó có một vụ nghiêm trọng; bốn vụ tai nạn trở lên nhưng chỉ có người bị thương.

3. Các giao lộ có vấn đề về giao thông (ùn tắc, tai nạn giao thông) đã được nghiên cứu áp dụng các giải pháp khác như cải tạo hình học, nhánh rẽ phải, sơn giảm tốc, biển báo hiệu giao lộ, biển báo hạ tốc độ… nhưng vẫn bị ùn tắc và có tai nạn giao thông do xung đột giữa các dòng xe.

LÊ THỊ NGHĨA (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm