“Thực tế cho thấy ý thức của người nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM hiện nay được nâng cao rõ rệt. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chú trọng đến việc bắt chó thả rông để không ảnh hưởng vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị” - ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Chăn nuôi-Dịch tễ thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, nhận định.
Sạch sẽ, an toàn
Đưa tay chỉ con chó nhà hàng xóm được cột dưới gốc cây, bà Võ Thị Minh Lâm (ngụ phường Cát Lái, quận 2) vui vẻ nói: “Trước đây, tôi hay càm ràm nhà đối diện cứ thả chó chạy long nhong. Sau nhiều lần tổ dân phố nhắc nhở, nghe nói bị phạt tới mấy trăm ngàn nên giờ họ ý thức lắm, luôn cột chó trong nhà. Nếu dẫn ra đường cũng xích và đeo rọ cẩn thận. Giờ gặp nhau chúng tôi hỏi han sức khỏe, công việc, không cằn nhằn chuyện chó, mèo nữa”.
Tương tự, ông Võ Thanh Hùng (ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) cho biết trước đây hẻm nhà ông thường bị những chú cẩu làm bẩn, chưa kể nguy hiểm rình rập về tai nạn, chó cắn. “Giờ thì thay đổi nhiều rồi. Do địa phương thường xuyên tuyên truyền việc nuôi, nhốt chó nên thực trạng chó chạy rông giảm hẳn, thật đáng mừng” - ông Hùng hồ hởi nói.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân: “Từ khi UBND phường nhắc nhở các hộ nuôi chó ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và khi các quy định xử phạt như Nghị định 90/2017, Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT được siết chặt hơn thì vấn nạn này giảm hẳn. Xóm giềng cũng không bị rạn nứt tình cảm vì chó, mèo”.
Người dân đã ý thức hơn trong việc nuôi thú cưng ở đô thị. Ảnh: HTD
Chó chạy rông bị “xử” mạnh tay
Tình trạng chó chạy rông được chính quyền cơ sở rất quan tâm, chủ trương siết chặt để xóa sổ hoàn toàn. Đầu tháng 1-2018, ông Trần Sỹ Thái, Phó Chủ tịch UBND phường 10, quận 5, đã ký công văn đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM tổ chức xử lý chó thả rông trên địa bàn. Trước đó vài ngày, UBND phường Thảo Điền, quận 2 cũng có công văn đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM tổ chức bắt chó thả rông trên 18 tuyến đường của phường.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Thảo Điền: “Mặc dù phường thông báo các hộ nuôi chó, mèo thực hiện nếp sống văn minh đô thị nhưng tình trạng thả rông thú nuôi vẫn xảy ra. Do vậy, UBND phường đã đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM hỗ trợ bắt triệt để chó, mèo thả rông nhằm răn đe đối với chủ nuôi”.
Nhờ việc siết chặt quản lý thú nuôi, số người bị chó, mèo cắn cũng được kéo giảm. “Năm 2016, chi cục chỉ bắt khoảng 30 chó chạy rông nhưng năm 2017 đã bắt trên 100 con. Số người bị chó cắn giảm khoảng 300 người so với năm trước. Số thú cưng được nuôi trong đô thị cũng giảm gần 9.000 con” - ông Dũng nói. Nguyên nhân số thú nuôi giảm, theo ông Dũng là vì người dân đã ý thức hơn trong việc nuôi thú, họ tự giác xét thấy mình không có điều kiện chăm sóc chu đáo, lo sợ làm phiền hàng xóm và sợ bị phạt nên đã quyết định không nuôi luôn.
Đầu năm 2018, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định phê duyệt “Chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2021”. Theo đó, tới năm 2021, TP.HCM khống chế bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và trên người nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP. 100% xã, phường, thị trấn phải lập danh sách hộ nuôi chó, mèo. Tỉ lệ chó, mèo được tiêm phòng vaccine dại tại các xã, phường, thị trấn đạt trên 90%. Xây dựng TP.HCM là vùng an toàn bệnh dại trên chó, mèo. Đội bắt chó thả rông của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM hoạt động mỗi ngày, nhận tin báo tại 226/9 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, số điện thoại 028.39318432. |