Quy định bất hợp lý, cả hai phía đều khổ!

Mấy ngày nay, ba mẹ em đã rất lo lắng khi hay tin những người bán hàng rong phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), nếu không có sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng. Nhưng lo thì lo ba mẹ em vẫn phải đi bán để lo cái ăn, cái mặc cho cả gia đình.

Cũng như nhiều “bạn hàng” khác, ba mẹ em đều ít chữ nên rất khó tiếp thu chương trình tập huấn kiến thức VSATTP. Chưa kể học phí, tiền khám sức khỏe, tiền thẩm định... còn lớn hơn cả vốn của ba mẹ em. Ngoài ra, ba mẹ em cũng thường thay đổi mặt hàng, lúc bán xôi, lúc bắp, lúc cốm dẹp... Nếu mỗi lần thay đổi mặt hàng đều phải xin cấp lại giấy chứng nhận VSATTP thì phí công, hao tiền quá!

Trường hợp ba mẹ bệnh, mấy chị em của em phải tranh thủ bán thay. Nếu không có giấy chứng nhận, tụi em có thể bị phạt nặng. Muốn có giấy này, tụi em phải đi khám sức khỏe, đi học tập huấn kiến thức... Ba mẹ em còn không có đủ tiền để xin cho mình những giấy này thì đâu đến lượt tụi em.

Lâu nay, ba mẹ em đã cố gắng giữ VSATTP theo cách của mình (như che chắn cẩn thận để đỡ ruồi, bụi; dùng bao sạch để gói thực phẩm; đeo bao tay khi lấy hàng cho khách...). Dẫu chưa phải là tối ưu nhưng những biện pháp này cũng phù hợp với mặt hàng, điều kiện buôn bán nhỏ, lẻ. Giờ chính quyền lại đòi hỏi quá “cao siêu” nên những người bán hàng rong như ba mẹ em làm sao đáp ứng nổi!

Minh Tiến (Phường 1, quận 5)

Tôi cũng là phó chủ tịch của một xã. Thực tế, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận VSATTP cũng như xử phạt. Thử hỏi khi lo chạy ăn, chạy mặc đã mệt, người bán hàng rong nào còn sức đâu nghĩ tới chuyện bỏ tiền ra khám sức khỏe, tập huấn kiến thức VSATTP để được cấp giấy. Rồi đa phần là dân tạm trú, thường rày đây mai đó, nếu ra biên bản xử phạt hẳn hòi mà họ không chịu nộp phạt, chúng tôi biết làm sao!

Cũng xin nói thêm, đa số người bán hàng rong đều nghèo nên cuộc sống hàng ngày của họ dựa vào nồi bún riêu, chè cháo, rổ khoai... Chúng tôi nỡ lòng nào tịch thu nếu họ không có giấy chứng nhận. Nếu không tịch thu, chúng tôi đã làm sai quy định; ngược lại, nếu tịch thu thì chúng tôi phải tính sao với mớ hàng tịch thu theo kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội”?

Rõ ràng, Sở Y tế TP.HCM cần nghiên cứu kỹ lưỡng cách thức cấp giấy chứng nhận và mức xử phạt để kiến nghị lên UBND TP và Bộ Y tế những biện pháp triển khai phù hợp, hạn chế những hậu quả khó lường.

tranxuanha...@yahoo.com

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm