Suối ô nhiễm: Chính quyền đổ qua đổ lại

Bà con sống dọc hai bên suối Linh thuộc TP Biên Hòa (Đồng Nai) phản ánh hơn 10 năm nay họ phải cắn răng chịu đựng dòng suối “chết” do ngày càng bị ô nhiễm nặng.

Đây là một trong những dòng suối lớn bắt nguồn từ phường Long Bình chảy qua các phường Tam Hòa, Tam Hiệp, Bình Đa, An Bình rồi đổ ra sông Đồng Nai. Trước đây nước suối trong xanh, cá sinh sống nhiều. Nhưng rồi nhiều hộ nuôi gia súc trên đầu nguồn thường xuyên xả trực tiếp phân, nước thải, thức ăn thừa ra dòng suối; rác sinh hoạt lẫn xác động vật từ chợ Tam Hòa và chợ tạm phường Long Bình hoặc từ các dãy phòng trọ được tống xuống suối đã làm dòng nước đen kịt và bốc lên mùi hôi thối nồng nặc.

Theo ghi nhận của PV tại khu vực cầu Ông Tửu trên đường Pham Văn Thuận (nơi bắt qua dòng suối Linh thuộc ba phường Tam Hòa, Tam Hiệp và Bình Đa), rác nơi đây phủ dày kín dưới lòng suối và kéo dài cả trăm mét. Hễ ai chạy xe qua đây cũng đều đưa tay bịt mũi, nhăn mặt nín thở.

Suối ô nhiễm: Chính quyền đổ qua đổ lại ảnh 1

Rác phủ kín lòng suối và kéo dài hàng trăm mét tại khu vực cầu Ông Tửu. Ảnh: T.NHÂN

“Cứ vài ngày tụi tui châm lửa đốt rác một lần nhưng không ăn thua. Bởi vì lửa cũng chỉ cháy được lớp rác mỏng khô trên bề mặt, phần ẩm ướt bên dưới vẫn còn nguyên và trở thành nơi phát sinh các loại mầm bệnh lây cho người. Mùa mưa thì đỡ hôi vì một phần rác sẽ theo dòng nước trôi ra sông Đồng Nai. Còn mùa nắng như hiện nay thì nước dưới lòng suối cạn và rác cứ thế ứ nghẹt rất nhiều, lâu ngày bị phân hủy. Cả nhà tôi đều bị mắc bệnh đường hô hấp…” - một người dân ngụ phường Tam Hiệp nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Sửu, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Đa, phường này đã nhiều lần tuyên truyền người dân trên địa bàn không được vứt rác xuống suối. Hiện nay tỉ lệ thu gom rác tại địa phương đạt khoảng 96%. Sắp tới phường sẽ tổ chức thu gom rác dọc bờ suối và tiếp tục vận động người dân đăng ký, đóng tiền thu gom rác theo quy định.

Bà Tiết Thị Loan, Chủ tịch UBND phường Tam Hiệp, thông tin: “Lần nào TP triển khai kế hoạch tuần lễ “xanh, sạch, đẹp” thì phường đều tham gia đi thu gom rác tại suối Linh. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, khi nghe dân than phiền về ô nhiễm của dòng suối, phường đều ghi nhận và có kiến nghị lên trên”.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Minh, Phó Trưởng phòng TN&MT TP Biên Hòa, lại cho rằng do UBND các phường chưa quyết liệt xử lý nên mới để xảy ra cớ sự. Ông Minh nêu: Mới đây phòng đã khảo sát và ghi nhận có tình trạng ô nhiễm do rác thải tại suối Linh. Ngoài ra còn có các loại đất, đá, cành cây tại lòng suối gây ứ đọng làm ảnh hưởng đến môi trường chung của khu vực. Sở dĩ có những việc này là do hành lang suối Linh bị lấn chiếm và dọc hai bên bờ không được lắp rào chắn tạo điều kiện cho những người vứt rác bậy. Cạnh đó, các phường chưa tổ chức phong trào ngày thứ Bảy “xanh, sạch, đẹp” có trọng tâm, trọng điểm để vận động người dân cùng thực hiện và chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, các phường chưa thường xuyên phát hiện và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định; chưa tổ chức các tuần lễ bảo vệ môi trường để thu gom rác thải tại lòng suối. Mặt khác, lòng suối có đoạn quanh co, nhỏ hẹp và lâu ngày không được duy tu, nạo vét dẫn đến việc tồn đọng rác ở nhiều khu vực từ chợ Tam Hòa đến đoạn qua cầu Ông Tửu khoảng 500 m.

Về biện pháp khắc phục, ông Minh cho biết: “Để đảm bảo khơi thông lòng suối và không còn tái diễn tình trạng vứt rác bừa bãi gây ứ đọng, chúng tôi vừa mới gửi văn bản kiến nghị UBND TP chỉ đạo xử lý”.

THÀNH NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm