Tiếc là quả trứng không biết... nói!

Tháng 3-2007, ông X. (ngụ ở Trà Vinh) ký hợp đồng chuyển giao công nghệ chế biến trứng vịt thường thành trứng vịt bắc thảo (là loại trứng vịt tẩm gia vị có vỏ màu vàng, ruột màu đen, vị ngon, béo hơn trứng vịt thường) cho doanh nghiệp Y. ở TP.HCM.

Bên cho thành công, bên cho thất bại

Theo hợp đồng, ông X. có nhiệm vụ thử nghiệm và chuyển giao công nghệ làm trứng vịt bắc thảo trên mười ổ trứng vịt cho doanh nghiệp Y. (nói nôm na là truyền nghề làm trứng vịt bắc thảo cho Y.). Nếu ông X. chế biến đạt năm ổ trứng vịt thì coi như thí nghiệm thành công. Tiền chuyển giao công nghệ là 40 triệu đồng. Doanh nghiệp Y. đưa trước cho ông X. năm triệu đồng. Số tiền còn lại, doanh nghiệp Y. sẽ giao sau khi ông X. truyền nghề xong.

Ngay trong tháng 3-2007, ông X. dạy nghề cho đại diện doanh nghiệp Y. Đến lúc ông X. kết thúc việc thí nghiệm thì hai bên xảy ra tranh chấp. Ông X. cho rằng kết quả thí nghiệm đã thành công theo đúng nội dung thỏa thuận ban đầu. Doanh nghiệp Y. thì cho rằng không đạt yêu cầu. Ông X. đề nghị (bằng miệng) doanh nghiệp niêm phong tất cả sản phẩm đã thí nghiệm để chờ cơ quan chức năng đến giải quyết.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không đồng ý niêm phong và tự đem sản phẩm đi tiêu hủy mà không có sự chứng kiến của ông X. hay đại diện chính quyền địa phương. Theo doanh nghiệp, cần phải tiêu hủy gấp để phòng dịch cúm gia cầm và ô nhiễm môi trường.

Không dễ dàng chấp nhận cách xử lý trên, ông X. yêu cầu doanh nghiệp Y. thanh toán tiếp cho mình 35 triệu đồng còn lại nhưng doanh nghiệp Y. không chịu trả.

Sơ thẩm xử thắng

Tháng 5-2007, ông X. kiện doanh nghiệp Y. ra tòa. Năm tháng sau, tòa xử sơ thẩm vụ án. Tại tòa, doanh nghiệp Y. tiếp tục từ chối trả hết số tiền còn lại với lý do kết quả truyền nghề của ông X. không đạt yêu cầu. Hơn nữa, hợp đồng chuyển giao công nghệ trên có thể vô hiệu “vì ông X. có thể chuyển giao công nghệ không phải là của mình”. Nếu vậy, ông X. không có quyền đòi số tiền còn lại.

Tòa sơ thẩm nhận định: Lẽ ra sau khi được chuyển giao công nghệ, nếu có khiếu nại về chất lượng sản phẩm thử nghiệm thì doanh nghiệp Y. phải lưu giữ kết quả thử nghiệm để nhờ cơ quan chuyên môn thẩm định; hoặc doanh nghiệp Y. có thể khởi kiện để được tòa trưng cầu giám định. Đằng này, doanh nghiệp Y. lại tự ý tiêu hủy toàn bộ kết quả thử nghiệm trong khi trứng nguyên liệu là của chính doanh nghiệp Y. Riêng về việc ô nhiễm môi trường, chỉ cơ quan y tế mới có thẩm quyền xác nhận việc này. Tòa này buộc doanh nghiệp Y. phải thanh toán cho ông X. 35 triệu đồng còn lại của hợp đồng. Doanh nghiệp Y. kháng cáo.

Phúc thẩm xử thua

Tháng 4-2008, khi xét xử phúc thẩm, tòa phúc thẩm lại có những nhận định ngược hẳn với tòa sơ thẩm. Theo tòa phúc thẩm, ông X. có nhiều sơ suất trong việc truyền nghề. Khi doanh nghiệp yêu cầu ông X. thử nghiệm lại cho đến khi đạt kết quả theo yêu cầu thì ông X. lại không hợp tác. Chưa hết, ông X. không có văn bản xác nhận đã hoàn thành việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Y. Ông X. cũng không có bằng chứng để chứng minh bản thân đã yêu cầu cơ quan chức năng làm “trọng tài” phân xử ông đúng, doanh nghiệp sai (hay ngược lại). Cho nên, ông X. không thể yêu cầu doanh nghiệp Y. phải trả tiền truyền nghề.

Phía doanh nghiệp Y. cũng có một phần lỗi trong vụ việc. Lúc thấy số trứng vịt làm thử nghiệm không đạt yêu cầu, doanh nghiệp lại không nhờ cơ quan chức năng lập biên bản trước khi mang đi tiêu hủy. Do doanh nghiệp cũng đồng ý trả cho ông X. một nửa số tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng nên tòa phúc thẩm đã xử buộc doanh nghiệp phải trả cho ông X. 20 triệu đồng.

Trong vụ tranh chấp này, ngoài hai bên đương sự còn có một “nhân chứng” biết rõ tường tận mọi việc. Đó chính là các quả trứng bắc thảo. Chúng đã được thành hình như thế nào, có trọn vẹn hay còn dở dang...? Rất tiếc, chúng không biết “nói” và cũng đã “chết” quá sớm, còn người “đẻ” ra chúng lại không chủ động làm rõ vụ việc ngay từ đầu.

MINH NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm