Xây ít hơn giấy phép: Không phạt nhưng không cấp giấy chủ quyền

Tháng 6-2009, ông Châu Văn Cảnh được UBND quận Thủ Đức cấp giấy phép xây dựng nhà ở tại 75/22/2A đường 48, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM. Theo giấy phép, tổng diện tích xây dựng là 85,67 m2, trong đó diện tích tầng trệt 51,87 m2, tầng lửng là 33,8 m2. Tuy nhiên, do không đủ tiền nên ông đã tự giảm diện tích gác lửng. Tính ra, sau khi công trình hoàn thành thì tổng diện tích xây dựng giảm gần 14 m2 so với giấy phép, trong đó tầng lửng giảm hơn 16 m2, tầng trệt tăng hơn 2 m2 (sở dĩ tăng do ông không làm giếng trời như dự tính ban đầu nhưng phần dôi ra vẫn nằm trên đất của ông). Cuối năm 2010, ông bị Thanh tra xây dựng quận và phường lập biên bản về việc xây dựng công trình sai nội dung giấy phép.

Xây ít hơn giấy phép: Không phạt nhưng không cấp giấy chủ quyền ảnh 1

Nhà ông Cảnh không được cấp giấy chứng nhận do bị hụt gần 14 m2 so với giấy phép xây dựng. Ảnh: HM

Tuy nhiên, không như những trường hợp xây dựng sai phép khác, UBND quận Thủ Đức đã không ra quyết định xử lý ông Cảnh. Lý do: Theo điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư số 24 ngày 22-7-2009 của Bộ Xây dựng (quy định chi tiết thi hành một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng), cơ quan thẩm quyền không xử lý những trường hợp xây dựng sai vị trí hoặc thay đổi diện tích đã ghi trong giấy phép nằm trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chủ nhà, không gây khiếu kiện, không lấn chiếm chỉ giới đường đỏ hoặc chỉ giới xây dựng. Căn cứ vào quy định này, UBND quận Thủ Đức có văn bản thông báo cho ông Cảnh biết: Do nhà ông không vi phạm các quy định về xây dựng gồm chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, chiều cao tầng, ranh chủ quyền nên quận không phạt tiền và cũng không buộc ông khắc phục hậu quả.

Tưởng vậy là xong nhưng khi ông làm thủ tục đề nghị cấp giấy chủ quyền nhà thì quận Thủ Đức đã từ chối giải quyết. Ông Ngô Văn Bình, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Thủ Đức, nêu lý do: Nhà ông Cảnh thuộc trường hợp xây dựng sai phép sau ngày 1-5-2009 (ngày Nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng có hiệu lực thi hành). Do chưa có văn bản hướng dẫn xử lý những trường hợp này nên quận phải tạm thời đình lại việc xét cấp giấy chứng nhận.

Tại sao lúc thì bảo không vi phạm nên không xử lý, lúc lại nói sai phép nên chưa thể cấp giấy? Sự từ chối nêu trên liệu có quá máy móc do việc xây dựng ít hơn giấy phép (kèm theo các điều kiện quy định) đã được Thông tư 24 chính thức “tha bổng”? PV đã tìm hiểu thêm và được biết các quận 11, Gò Vấp… cũng gộp những trường hợp như của ông Cảnh vào diện xây dựng sai phép để xem xét chung và nếu thời điểm xây dựng sau ngày 1-5-2009 thì họ sẽ không cấp giấy chứng nhận.

Không nên đánh đồng

Cùng là xây dựng không đúng với giấy phép nhưng các quận, huyện cần phân biệt trường hợp nào là vi phạm phải bị xử lý, trường hợp nào không bị xem là sai phạm. Khi không thể xử lý (do pháp luật đã loại trừ) thì có nghĩa là công trình đó được phép tồn tại và phải được xét cấp giấy chứng nhận để người dân được đảm bảo quyền lợi, chính quyền cũng dễ quản lý. Nếu diện tích nhà khác với giấy phép xây dựng thì các quận, huyện có thể dựa trên bản vẽ hiện trạng để cấp giấy chứng nhận phù hợp thực tế.

Do việc xử lý vi phạm xây dựng thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng nên với quy định nêu trên của Thông tư 24, sở này có thể ra văn bản hướng dẫn cách xử lý cụ thể để các quận, huyện ra được giấy chứng nhận. Trường hợp cần có sự phối hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường thì có thể ban hành văn bản hướng dẫn liên sở.

Ông PHẠM NGỌC LIÊN, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM

HÀ MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm