Năm 2004, Quốc hội ra Nghị quyết 743 bỏ chiếc áo tù, cho bị cáo mặc thường phục khi ra tòa. Đến bây giờ thì bỏ luôn vành móng ngựa.
Nhiều ý kiến cho rằng việc không còn vành móng ngựa thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội. Nguyên tắc này bắt nguồn từ bản tóm lược luật La Mã được gọi là “Digest of Justinian” từ thế kỷ 6. Một điểm quan trọng của bản tóm lược là trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tố cáo, tức các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhờ một luật gia người Pháp tên Jean Lemoine, suy đoán vô tội chính thức trở thành một công cụ của pháp luật.
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cộng hòa Pháp năm 1789 ghi nhận: “Mọi người đều được coi là vô tội cho đến khi bị tuyên bố phạm tội”. Sau đó, nguyên tắc này được công nhận và quy định trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966, BLTTHS Pháp…
Hiến pháp nước ta cũng như các BLTTHS đều quy định: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Những thay đổi trên có thể coi là một dấu mốc trong tư duy. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những biểu hiện về mặt hình thức. Điều quan trọng hơn là tư duy của những người tiến hành tố tụng và ngay cả các trường hợp không phải là người tiến hành tố tụng, cái nhìn của họ đối với một nghi can.
Tôi đọc báo thấy nhiều bài viết nêu là “ông Đinh La Thăng” nhưng lại chỉ trống không “Trầm Bê” hoặc “Phạm Công Danh”. Cũng tờ báo này, ở vài vị trí khác còn dùng từ “kẻ” cho những người chưa hề bị đưa ra xét xử hay kết tội. Hãy để cho tư tưởng về quyền con người được lan rộng.
Tôi nhớ thầy tôi, PGS-TS-Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, từng nói: “Đừng dùng từ kẻ!”. Tôi hiểu ý thầy và nhớ đến bây giờ. Tất cả đều mang ý nghĩa nhân văn cần có trong xã hội văn minh. Mong cho một thế hệ nữa, mọi người đều có được tư duy này.
Luật sư TRẦN THANH PHONG, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ