Đồng ruộng của ông Nguyễn Bay, 64 tuổi, ngụ phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam gồm 20 sào ruộng trồng lúa và đủ loại hoa màu nằm lọt thỏm trong dự án khu đô thị (KĐT) số 4 (tên thương mại Sun River City) do Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Rầm rộ lên dự án
Đây là đất khai hoang hàng chục năm nay của gia đình ông Bay nhưng không có giấy đỏ. Đến ngày bị giải tỏa, thu hồi đất năm 2016, ông Bay mới biết giá bồi thường một sào ruộng của mình tối đa chỉ từ 6 đến 8 triệu đồng. Với số tiền bồi thường ít ỏi, ông Bay cố bám lấy việc chăn bò thuê kiếm sống qua ngày.
Cạnh đám đất của ông Bay đã san lấp là ruộng của ông Hòa đang chờ thu hoạch lứa rau mới. Nhiều năm không đồng tình với giá bồi thường rẻ mạt của chủ đầu tư, ông Hòa cố bám trụ. Tuy vậy, với đất san lấp bủa vây, ông Hòa lo mùa mưa về ruộng rau sẽ ngập nặng.
Ruộng đồng của ông Bay và những người hàng xóm nay hầu hết đã nhường chỗ cho dự án đã được tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch 1/500. Sun River City do Công ty CP Vùng Đất Sáng phân phối được quảng bá là KĐT ánh sáng với tổng diện tích 45 ha. Dự án sẽ cho ra đời 1.700 nhà phố thương mại, 1.400 nhà phố ven sông, 32 biệt thự vườn, 22 biệt thư ven sông. Ngoài ra còn có bến du thuyền, công viên ven sông, trung tâm thương mại và trường học.
Mở bán rầm rộ từ năm 2017 nhưng cả khu đất rộng lớn được quảng bá vắng như “chùa bà Đanh” dù hạ tầng dần hình thành. Cỏ cây mọc um tùm thành nơi đàn bò của ông Bay “đi dạo” hằng ngày.
Ông Nguyễn Bay chăn bò kiếm sống ngay trên dự án đã thu hồi đất của ông. Ảnh: TẤN VIỆT
Một dự án “mọc” từ đất ruộng tại thị xã Điện Bàn đang san lấp mặt bằng. Ảnh: TẤN VIỆT
Cơn lốc… 300 dự án
Theo hồ sơ PV thu thập được, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 300 dự án khai thác quỹ đất. Riêng KĐT mới Điện Nam-Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) đã có bảy dự án đô thị hoàn thành, 24 dự án đang thi công dở dang, 42 dự án chưa triển khai và gần 100 dự án đang làm thủ tục đầu tư.
Cá biệt, một số doanh nghiệp được tỉnh Quảng Nam giao nhiều dự án cùng lúc như Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng, Công ty TNHH SX&TM Bách Đạt, Công ty An Dương, Công ty Đầu tư phát triển DHTC…
Đáng nói, theo Điều 58 Luật Đất đai 2013, việc chuyển đổi trên 10 ha đất lúa sang đất phi nông nghiệp phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để lách việc phải trình xin ý kiến Thủ tướng, các doanh nghiệp đã nhanh chóng xin tràn lan các dự án dưới 10 ha. Những dự án có thể kể đến gồm: KĐT Ngọc Dương Coco (Công ty CP Đầu tư và xây dựng Điện Bàn) rộng 5 ha; KĐT Coco Riverside (Công ty TNHH An Dương) rộng 5 ha; KĐT Bách Đạt (Công ty TNHH SX&TM Bách Đạt) rộng 6,5 ha; KĐT Ngân Câu-Ngân Giang (Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng) rộng 9,06 ha…
KTS Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, nhận định đất lúa ở Điện Bàn là đất sản lượng cao, đất màu mỡ và quan trọng là ông cha ta đã mất 500 năm mới tạo được vùng đất bờ xôi ruộng mật như vậy. “Với nông dân, hạt lúa là hạt ngọc trời. Trong khi đó, các doanh nghiệp đua nhau xin khai thác quỹ đất trên đất nông nghiệp chỉ vì lý do thuận tiện trong bồi thường, giá bồi thường thấp, tiến độ nhanh và bán nền kiếm lời được ngay” - KTS Diệm nói.
Tỉnh Quảng Nam có hơn 60.000 ha đất trồng lúa hai vụ với gần 1 triệu nông dân. Theo quy hoạch, từ năm 2011-2020 tỉnh này chuyển 2.100 ha đất lúa sang đất phi nông nghiệp. Từ đó, “cơn lốc” khai thác quỹ đất và các khu đô thị trên đất lúa hình thành nhanh đến chóng mặt. |
Băm nát quy hoạch đô thị
KTS Hồ Duy Diệm phản đối gay gắt việc Quảng Nam giao hàng trăm dự án khai thác quỹ đất theo kiểu chẻ nhỏ cho doanh nghiệp. Bởi theo ông, điều này khiến quy hoạch đô thị bị băm nát.
Cũng theo vị này, mới đây Bộ Xây dựng đã ra văn bản yêu cầu các địa phương phải kiểm tra lại mật độ xây dựng và mật độ an toàn giao thông trong tất cả KĐT lớn nhỏ. “Cách làm của Quảng Nam và các nhà đầu tư hiện tại là tư duy của nông dân đi làm đô thị. Chỉ chăm chăm lợi nhuận trước mắt từ đất nền mà bỏ quên lợi ích con cháu sau này” - ông Diệm nói thêm.
Chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng, người có hàng chục năm lăn lộn với công tác thủy nông tại Quảng Nam, cho rằng việc giao đất manh mún của Quảng Nam không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái đồng ruộng, mà về lâu dài là thoát lũ.
“Đồng ruộng luôn đồng nghĩa với thoát lũ. Vì lũ lên thì chảy ra ruộng hết, nhờ ruộng mà lượng lũ thoát đi rất lớn. Giờ ông đắp đất lên thì lũ đứng lại, dâng cao lên và ảnh hưởng người dân nhiều hơn. Chưa kể gây sạt lở bờ sông, tác động lên nhiều mặt lắm…” - ông Thắng cảnh báo.
Bài học Đà Nẵng Làm đô thị không phải là giao cho từng doanh nghiệp nhỏ lẻ tự tay làm như thế. Làm đô thị không phải chỉ nhà ở, nhà ở chỉ chiếm 20% đất đô thị thôi, còn lại 20% cây xanh, 20%-25% là đất giao thông công cộng, 20% còn lại là đất trường học, bệnh viện… Tiêu chuẩn quy phạm của Bộ Xây dựng hàng chục năm nay vẫn tồn tại, chưa ai thay đổi. Làm đô thị phải tuân thủ theo quy định của đô thị. Còn phải dành đất cho sản xuất nữa. Đà Nẵng nhiều năm qua đã lấp đất nông nghiệp, chia lô bán nền. Sau này TP kiểm tra lại thì thấy thiếu hàng trăm hecta đất cây xanh, đất công trình giao thông. Giờ không có cách nào lấy lại được. Thiết nghĩ câu chuyện của Đà Nẵng có thể cảnh báo cho cách làm của Quảng Nam hiện nay. KTSHỒ DUY DIỆM, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực |