Băn khoăn việc phong tướng

Trong phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 20-3, hai bộ trưởng Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã báo cáo chi tiết việc sửa đổi hai luật liên quan trực tiếp tới việc phong hàm sĩ quan: Luật Công an nhân dân (CAND) và Luật Sĩ quan quân đội nhân dân (QĐND). Yêu cầu đặt ra với cả hai là phải luật hóa các chức vụ mà gắn với đó là hàm sĩ quan cụ thể, đặc biệt là chức vụ tương ứng với sĩ quan cấp tướng. Tuy nhiên, kết quả mà hai dự thảo đưa tới lại khác nhau.

Cụ thể, theo dự thảo của Bộ Công an, quân hàm đại tướng có thể được phong cho bộ trưởng như hiện nay và thêm một thứ trưởng là phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương. “Cấp bậc này là tương xứng vì đồng chí thứ trưởng thường trực có thể thay mặt bộ trưởng chỉ đạo lực lượng khi cần thiết, đồng thời phù hợp thực tiễn” - Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang giải thích.

Theo cách ấy, Bộ Công an có thể có hai đại tướng, so với Bộ Quốc phòng có ba đại tướng ở các chức danh bộ trưởng, tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Cũng về cấp tướng, Luật CAND hiện hành (ban hành năm 2005) quy định quân hàm cao nhất của giám đốc công an cấp tỉnh/thành là đại tá. Riêng Hà Nội, TP.HCM cao nhất là thiếu tướng. Còn cấp trung tướng được áp dụng với chức vụ tổng cục trưởng.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật. Ảnh: TTXVN

Nhưng luật lại thòng thêm ngoại lệ: “Đơn vị được giao nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt hoặc địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự thì cấp bậc hàm cao nhất có thể cao hơn một bậc”. Chính điều này đã dẫn tới bùng nổ cấp tướng trong lực lượng công an. Tính tới nay, ngoài hai TP lớn, có hơn 2/3 số giám đốc công an cấp tỉnh được phong hàm thiếu tướng. Tương tự, hầu hết các tổng cục đã có phó tổng cục trưởng được thăng hàm trung tướng. Thậm chí có đơn vị có 4-5 cấp phó ngang hàm trung tướng với cấp trưởng.

Xử lý bất cập này, dự luật sửa đổi bỏ hẳn quy định ngoại lệ trên. Thay vào đó xác định giám đốc công an TP Hà Nội, TP HCM - nơi nắm nhiều quân số, địa bàn trọng yếu - quân hàm cao nhất là trung tướng. Hàm thiếu tướng có thể được áp dụng ở ba TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và ba tỉnh địa bàn rộng, dân cư đông là Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai. Các tỉnh còn lại, giám đốc công an chỉ là đại tá. Đây là điều chỉnh thu hẹp so với dự thảo trước đây khi cho phép giám đốc công an tất cả tỉnh/thành có thể giữ hàm thiếu tướng.

Dự thảo cũng luật hóa thực tiễn bằng giải pháp cho phép cấp phó ở các tổng cục có thể giữ hàm trung tướng, ngang bằng cấp trưởng. Lập luận đưa ra là cấp phó phụ trách công tác Đảng thì cũng giống như chức danh chính ủy bên quân đội. Do đó có thể giống quân đội là người phụ trách công tác Đảng có thể ngang quân hàm với người đứng đầu công tác chính quyền.

Ngược chiều với phía công an, báo cáo do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày lại có xu hướng thu hẹp diện chức vụ được giữ hàm tướng. Theo đó, dự thảo sửa đổi Luật Sĩ quan QĐND đưa hầu hết quy định dưới luật hiện hành vào luật. Riêng các chức vụ như tổng giám đốc tổng công ty loại I, tham mưu trưởng quân khu, quân chủng, tổng cục và tương đương sẽ không còn hàm cao nhất là thiếu tướng như trước đây.

“Trong thời bình, các đơn vị này không cần giữ tham mưu trưởng như một chức danh độc lập mà để các đồng chí cấp phó làm kiêm nhiệm” - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh giải thích.

Về cấp hàm của người đứng đầu cơ quan quân sự tỉnh/thành, cũng giống như bên công an, Luật Sĩ quan QĐND hiện hành quy định mặt bằng chung là đại tá. Đồng thời, thòng thêm ngoại lệ “địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng” thì được quân hàm cao hơn một cấp - tức thiếu tướng.

“Những năm qua, chúng tôi đã đề nghị thăng thiếu tướng cho một số đồng chí nhưng việc xác định thế nào là trọng yếu rất khó, thành ra gây nhiều tâm tư, thắc mắc trong anh em và giữa các địa phương với nhau” - Bộ trưởng Thanh cho biết.

Cũng theo ông Thanh, thực tiễn công tác địa phương, đây đó có so bì là cùng trong thường vụ với nhau nhưng phía công an là tướng, còn quân đội là tá. Nhưng qua cân đối cơ cấu chức vụ, quân hàm toàn quân, Bộ Quốc phòng quyết định không nâng trần quân hàm. Thậm chí luật sửa đổi lần này sẽ bỏ hẳn trường hợp ngoại lệ trên đây. Riêng cơ quan quân sự hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM, sau Đại hội XI đã được nâng cấp lên thành hai bộ tư lệnh thì tư lệnh và chính ủy ở Hà Nội có hàm cao nhất là trung tướng, ở TP.HCM là thiếu tướng.

Bằng những điều chỉnh ấy, số lượng chức vụ giữ hàm cấp tướng trong quân đội sẽ giảm 3,1% so với quy định hiện hành, bộ trưởng Quốc phòng cho biết.

NGHĨA NHÂN

 

Cần tách lương khỏi quân hàm

“Bất cập lớn nhất hiện nay là chế độ đãi ngộ trong các lực lượng vũ trang bị gắn chặt với quân hàm. Do đó không ít trường hợp thông cảm với anh em có nhiều đóng góp, cống hiến, các đơn vị đã đề nghị thăng quân hàm cao hơn một bậc so với mức quy định chung cho chức vụ tương ứng. Điều này cũng khiến cho số đại tá, thiếu tướng tăng lên nhiều. Vì vậy, tôi ủng hộ chủ trương của Bộ Chính trị, nghiên cứu tách lương khỏi quân hàm, để gắn chủ yếu với chức vụ đảm nhiệm” - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh góp ý tại phiên họp Chính phủ ngày 20-3.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sẽ không thể tách rời hoàn toàn lương bổng với quân hàm. Thay vào đó, Luật Sĩ quan QĐND đảo thứ tự, đưa tiêu chí “chức vụ” lên trước: “Bảng lương của sĩ quan căn cứ vào chức vụ và cấp bậc quân hàm”. Trên cơ sở đó, đề án cải cách tiền lương của lực lượng vũ trang sẽ theo hướng gắn một phần cơ bản lương với chức vụ, thay vì gắn nhiều vào cấp hàm như hiện nay.

Hai ngày, thảo luận 10 dự luật

Trong phiên họp chuyên đề hai ngày 20 và 21-3, Chính phủ thảo luận về tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn luật, việc dự thảo các luật trong quý I. Ngoài ra, các thành viên Chính phủ góp ý dự thảo sửa đổi các luật: Luật CAND, Luật Sĩ quan QĐND, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Dược, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm