Tại buổi góp ý này, đại diện của Kiểm toán Nhà nước khu vực 3 tại TP Đà Nẵng cho hay Luật Đầu tư công trước tiên phải đặt mục tiêu chống được đầu tư dàn trải. Để chứng minh, vị này cho hay: “Tính đến cuối năm 2011, các dự án đầu tư công của cả nước còn cần 273.000 tỉ đồng nhưng vẫn chưa bố trí được vốn. Lâm Đồng phải mất 18,9 năm và Nghệ An phải mất 8,92 năm nữa mới thực hiện hết các dự án đầu tư công đã phê duyệt. “Nếu luật không cương quyết thì tình trạng đầu tư công dàn trải sẽ còn tiếp tục” - vị này nói.
Ở một khía cạnh khác, ông Phạm Hữu Hoa, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, nói báo chí và dư luận xã hội thời gian qua rất bức xúc về vấn đề đầu tư công sai mục đích. “Nhưng hiện nay vẫn chưa thể đưa ra được chế tài xử lý, chưa quy định được việc bồi thường đối với các dự án đầu tư chưa đúng mục đích và không hiệu quả. Sau khi đầu tư xong với số tiền lớn nhưng không đưa vào sử dụng được thì phải xử lý như thế nào. Cái này chưa có quy định cụ thể ai sẽ chịu trách nhiệm” - ông Hoa đặt vấn đề.
Cũng theo ông Hoa, Luật Đầu tư công phải quy định rõ bao nhiêu năm thì mới được quyền đập bỏ một dự án để xây mới. “Tôi thấy có một số công trình mới xây đã phải đập bỏ để xây mới cho hoành tráng hơn dẫn tới tốn kém” - ông Hoa nhấn mạnh.
Cũng tại buổi góp ý này, nhiều ĐB cũng cho rằng cần phải quy định rõ trách nhiệm đối với những người trực tiếp phê duyệt đầu tư các dự án gây thiệt hại cho dân. Chẳng hạn như một số dự án thủy điện gần đây làm cho dân phải gánh chịu hậu quả do nó gây ra nhưng chẳng có ai chịu trách nhiệm.
Ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, cho rằng nếu Luật Đầu tư công lần này không đưa ra được những quy định chế tài chặt chẽ thì sẽ dẫn đến thất thoát rất nhiều tại các dự án đầu tư công nữa.
LÊ PHI