Cao ốc mọc lên, giao thông ùn tắc - Bài 2

Cao ốc quá nhiều: Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ!

Cách đây hơn một năm, dự án căn hộ Samland Riverside tại 147 Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) được chào bán rầm rộ. Theo đó, dự án này được rao cao 22 tầng, có chức năng khu căn hộ để ở, văn phòng cho thuê (từ tầng một đến tầng ba) và siêu thị.

Phải luôn chạy theo “đổ vỏ”

Tuy nhiên, mãi đến tháng 1-2017, chủ đầu tư của dự án này mới gửi bổ sung cho Sở GTVT việc thỏa thuận đấu nối giao thông dự án chung cư cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ văn phòng này với hệ thống giao thông khu vực.

“Điều này cho thấy quá trình xem xét, duyệt các chỉ tiêu quy hoạch và cấp phép cho dự án đã không tham khảo ý kiến của Sở GTVT về sự ảnh hưởng của dự án đến giao thông khu vực” - một cán bộ Sở GTVT nhận xét.

Chính vì quy định hiện hành không bắt buộc các cơ quan chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch (chiều cao công trình, khoảng lùi, tỉ lệ xây dựng…) cho các dự án phải lấy ý kiến của ngành GTVT cho nên Sở GTVT phải luôn chạy theo “đổ vỏ” và bài toán giải quyết kẹt xe ở TP.HCM càng thêm nan giải.

“Việc phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại, cao ốc chưa gắn liền với phát triển giao thông là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Cụ thể, các dự án cao ốc, trung tâm thương mại, các công trình tập trung đông người đã được cấp phép xây dựng, đưa vào khai thác trong khi hạ tầng kỹ thuật như đường sá thì vẫn như cũ khiến bài toán giải quyết kẹt xe càng thêm khó khăn” - ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đô thị, Sở GTVT, nhận xét.

Xe cộ ùn ứ vào giờ cao điểm trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình). Ảnh: HOÀNG GIANG 

Bài ca cũ “phối hợp đồng bộ…”

Theo Sở GTVT, các cao ốc, trung tâm thương mại được xây dựng trong ranh đất được giao theo đúng quy hoạch phê duyệt. Thế nhưng không có cơ quan nào đánh giá quy hoạch phía bên trong diện tích đất được giao ấy có tương thích với quy hoạch bên ngoài hàng rào hay không như các chỉ tiêu về diện tích mặt đường, trạm xe buýt, nhà ga...

Trong khi đó, Sở GTVT không được tham gia góp ý về quy hoạch dự án nhà ở, cao ốc vì trong thủ tục hành chính không có yêu cầu lấy ý kiến của Sở GTVT. Vì vậy, sau khi dự án hoàn chỉnh các bước về giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng, thậm chí dự án được chào bán ra thị trường nhà đầu tư mới có văn bản thỏa thuận đấu nối giao thông từ dự án ra hệ thống giao thông hiện hữu. Sở GTVT cho rằng với quy trình thực hiện các dự án cao ốc, trung tâm thương mại hiện nay thì ùn tắc là tất yếu.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay các công trình nhà cao tầng ở khu vực trung tâm được thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng trên cơ sở phù hợp quy hoạch đã được duyệt... Song thực tế nhiều nơi, các dự án nhà ở đi trước hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gây ra sự quá tải cho hạ tầng. Bất cập này đã được UBND TP và các cơ quan chuyên môn thấy và có hướng khắc phục. Theo đó, yêu cầu đặt ra là phải phối hợp thống nhất, đồng bộ giữa kế hoạch, chương trình chỉnh trang phát triển đô thị và chương trình giảm ùn tắc giao thông. Ngoài ra, UBND TP còn có chỉ đạo kế hoạch phát triển thị trường bất động sản cần phối hợp đồng bộ về đầu tư hạ tầng với chỉ tiêu về nhà ở phù hợp.

Tuy nhiên, giải pháp này không mới lạ. Theo ông Ngô Hải Đường, sau khi dự án hoàn chỉnh các bước về giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng, thậm chí dự án được chào bán ra thị trường nhà đầu tư mới có văn bản thỏa thuận đấu nối giao thông từ dự án ra hệ thống giao thông hiện hữu. Lúc này “gạo đã nấu thành cơm” nên việc giảm, gỡ tắc về giao thông ở khu vực các dự án này chỉ là giải pháp cục bộ, tình thế.

Chủ dự án tự nguyện chi tiền giúp giảm kẹt xe

UBND TP.HCM đang xem xét đề nghị của Công ty CP Cơ Điện Lạnh (Công ty REE) về việc hỗ trợ 1,5 tỉ đồng để cải thiện tình hình giao thông cho đường Cộng Hòa.

Nguyên do Công ty REE đang lên kế hoạch triển khai dự án tại 364 Cộng Hòa (phường 13, quận Tân Bình). Tuyến đường này vốn dĩ đã thường xuyên xảy ra ùn tắc, bất kể giờ giấc thì việc nâng tầng một cao ốc tại đây càng khiến giao thông khu vực thêm hỗn độn. Biết vậy, Công ty REE “tự nguyện” hỗ trợ 1,5 tỉ đồng để chung tay thực hiện kế hoạch tối ưu hóa hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Đơn vị sẽ làm điều này thông qua việc xây dựng trung tâm điều khiển giao thông thông minh, giảm thời gian xe chờ đèn đỏ trên đường Cộng Hòa nhằm giảm thiểu tác động xấu đến giao thông khi dự án được triển khai, đưa vào hoạt động.

Đề xuất đang được xem xét song việc một chủ dự án chi tiền gỡ kẹt xe là chưa từng có trong tiền lệ ở TP.HCM. Vì thế, sự kiện này có thể là bước ngoặt quan trọng trong việc gắn trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án cao ốc, trung tâm thương mại với việc dự án của họ làm tăng thêm ùn tắc giao thông cho khu vực.

“Lâu nay các chủ đầu tư khi thực hiện các dự án thường có các khoản kinh phí đóng góp, hỗ trợ cho địa phương. Họ không có các đóng góp, chung tay với ngành giao thông tháo gỡ ùn ứ dù quá trình thi công, đưa vào khai thác dự án đó gây ra nhiều tác động xấu đến giao thông khu vực. Vì vậy, trường hợp này được coi là lần đầu tiên xảy ra” - một cán bộ Sở GTVT thông tin.

Theo Sở GTVT, đối với các dự án khác được thực hiện theo quy trình lâu nay và Sở GTVT chỉ tham gia ý kiến về việc kết nối giao thông của dự án ra hệ thống giao thông hiện hữu sau khi dự án đã có giấy phép xây dựng. Nhưng ở dự án này, ngay từ khi xem xét các chỉ tiêu quy hoạch, UBND TP đã yêu cầu phải tham khảo ý kiến của Sở GTVT về sự ảnh hưởng của dự án đến giao thông. Vì thế “câu chuyện chưa có trong tiền lệ” đã xảy ra.

Thực tế, khi đầu tư các dự án cao ốc, trung tâm thương mại, dù nhà đầu tư tìm nhiều cách tăng mật độ xây dựng, thêm tính năng cho dự án thì họ vẫn không có lỗi. Bởi lẽ hạ tầng giao thông phải đi trước, tức Nhà nước phải có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch.

Có điều do nguồn kinh phí đầu tư cho giao thông rất lớn trong khi ngân sách và các nguồn khác không đủ đáp ứng nên việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cần rất nhiều thời gian. Do đó, nếu vì sự chậm trễ này mà ngưng hay trì hoãn việc cấp phép đầu tư các dự án cao ốc, trung tâm thương mại thì cũng gây nhiều hệ quả không tốt cho phát triển đô thị, phát triển kinh tế.

Vì vậy, câu chuyện chủ đầu tư chi tiền gỡ kẹt xe vừa nêu cần được coi là kinh nghiệm quan trọng để gỡ vấn đề: “Cao ốc “đè ngợp” giao thông” xảy ra lâu nay.

__________________________

Sự “quẫy cựa” của ngành giao thông

Theo quy trình hiện nay, Sở GTVT chỉ tham gia có ý kiến về việc kết nối giao thông và tổ chức giao thông của các dự án vào hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn giao thông và lưu thông được tốt nhất trong điều kiện hạ tầng giao thông hiện hữu.

Đơn cử, Sở GTVT đã đề nghị chủ đầu tư dự án cao ốc ở 147 Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) mở rộng đường Ung Văn Khiêm ở phạm vi dự án rộng theo đúng quy hoạch (30 m) và xem xét đưa dự án vào khai thác phù hợp với tiến độ mở rộng đường Ung Văn Khiêm (dự kiến vào năm 2019 - PV)...

Có một số chủ đầu tư đồng ý thực hiện yêu cầu của Sở như chủ một dự án chung cư ở quận Bình Thạnh đồng ý mua nhà dân ngoài phạm vi dự án để mở rộng tuyến hẻm ra đường D1 từ 6 m thành 12 m.

Tuy nhiên, đề nghị là có song chúng tôi thiếu căn cứ “cưỡng chế thực hiện” nên phụ thuộc lớn vào sự hợp tác của chủ đầu tư. Do vậy, để có những ràng buộc các nhà đầu tư nào cũng phải thực hiện khi muốn làm dự án thì phải có các chỉ đạo cụ thể từ UBND TP.

Ông NGÔ HẢI ĐƯỜNG, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng Sở GTVT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm