Cao ốc mọc lên, giao thông ùn tắc - Bài 1

Cao ốc tới đâu, kẹt xe tới đó

LTS: TP.HCM hiện đang căng mình xử lý nạn ùn tắc giao thông. Trong đó có nhiều điểm kẹt tập trung ở khu vực vốn có quá nhiều cao ốc, trung tâm thương mại. Chúng tôi ghi nhận thực tế và đề xuất các hướng gỡ.

 “Phát triển đô thị ở TP.HCM mất cân đối, chủ yếu tập trung quá cao ở khu vực trung tâm TP.HCM. Việc phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại, cao ốc chưa gắn liền với phát triển giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông khi đưa vào khai thác” - một lãnh đạo Sở GTVT cho biết.

Choáng ngợp cao ốc quanh sân bay

Câu chuyện kẹt xe quanh khu vực Tân Sơn Nhất đã nóng ran trong một thời gian dài và chưa có hồi kết. Có hàng ngàn tỉ đồng đổ vào các dự án mở rộng đường, làm cầu vượt, xây đường mới… nhằm giải cứu các lối ra vào sân bay. Thế nhưng cũng trên các tuyến đường dự kiến được mở rộng này, các cao ốc, chung cư không ngừng vươn lên.

Theo ghi nhận của PV, bước ra khỏi cổng sân bay là gặp ngay tòa nhà trung tâm thương mại Parkson - C.T Plaza với quy mô hai tầng hầm, 10 tầng cao. Chủ dự án này tự hào giới thiệu “dự án tọa lạc tại vị trí đắc địa và vô cùng thuận lợi khi nằm đối diện với sân bay Tân Sơn Nhất”.

Tại nút giao này, khi rẽ trái về đường Bạch Đằng thì gặp ngay dự án Saigon Airport Plaza có năm tòa tháp hai tầng hầm, 14 tầng cao, xây dựng trên diện tích 1,6 ha. Cụm dự án phức hợp này có quy mô 240 phòng khách sạn và 242 căn hộ bán và cụm cao ốc cho thuê văn phòng đang được khai thác.

Bên cạnh các dự án đã đưa vào sử dụng vừa nêu, trên các tuyến khác kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất là đường Hoàng Minh Giám, Hồng Hà và Phổ Quang còn có hàng loạt dự án cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và chung cư đang được triển khai. Đặc biệt, một loạt dự án với số lượng vượt cả ngàn căn hộ chung cư kết hợp trung tâm thương mại trổ cửa ra đường Hồng Hà, Phổ Quang đang được cấp tập thi công và chào bán rầm rộ với lời chào: “Dự án sở hữu ưu thế về vị trí - chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất “một bước chân””.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết trên các tuyến đường quanh sân bay, số lượng chung cư xây mới rất nhiều dẫn đến lượng xe qua lại khu vực gia tăng. Đây là một nguyên nhân dẫn đến ùn tắc thường xuyên trên các tuyến đường vào sân bay.

Xe cộ ùn ứ vào giờ cao điểm trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình). Ảnh: HOÀNG GIANG

Đại dự án Golden Mansion tọa lạc ở 119 Phổ Quang đang trong quá trình thi công và được chào bán rầm rộ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thúc thủ kẹt xe

UBND TP đang xin phép Thủ tướng được triển khai dự án cầu vượt tại vòng xoay Công trường Dân Chủ (quận 3, quận 10) theo cơ chế cấp bách. Mục đích của việc này là nhằm khẩn cấp cứu nguy cho căn bệnh kẹt xe kinh niên tại điểm nóng này.

Thế nhưng một dự án nằm cách vòng xoay này khoảng 150 m đang trổ cửa để nối thông ra đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10). “Cầu vượt dù có được đầu tư theo cơ chế cấp bách nhưng chưa thể làm liền vì phải phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM khi họ triển khai dự án tàu điện ngầm số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương. Như vậy, cầu chưa thấy đâu nhưng khả năng khu vực này ùn ứ càng thêm nghiêm trọng là điều dễ thấy, nhất là sắp tới dự án metro 2 được khởi công xây dựng” - một cán bộ Sở GTVT nhận xét.

Chưa hết, ông Vũ Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND quận 10, còn lo ngại về viễn cảnh kẹt xe gia tăng trên trục đường Ba Tháng Hai, nhất là ở đoạn đầu nối vào vòng xoay Công trường Dân Chủ trong thời gian tới. Nguyên nhân là sự xuất hiện của cụm dự án Hado Centrosa Garden.

Dự án này tại 200 Ba Tháng Hai (phường 12, quận 10) được giới thiệu rộng khoảng 6,85 ha. Đây là tổ hợp dự án nhà phố (hơn 110 căn) và tám tòa nhà cao 30 tầng với gần 2.200 căn hộ chung cư. “Dự án có quy mô lớn. Khi hoàn thành sẽ thu hút một lượng lớn người dân về ở, đến giao dịch. Nó nằm trên trục đường xuyên tâm Ba Tháng Hai vốn dĩ thường xuyên ùn ứ thì khi dự án đưa vào khai thác sẽ dẫn đến ách tắc nghiêm trọng” - ông Khoa lo lắng.

Đi vào “vết xe đổ”

Năm 2009, một doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư một dự án cao ốc ở đường Sư Vạn Hạnh (phường 12, quận 10), ở đoạn gần đường Ba Tháng Hai thì được yêu cầu đánh giá tác động giao thông của dự án đến khu vực này. Sau đó, dự án này được yêu cầu giảm quy mô.

Thời điểm này trở về trước, đoạn đường Sư Vạn Hạnh vừa nêu thường xuyên ùn tắc nên Sở GTVT tổ chức phân luồng một chiều ô tô theo hướng từ Ba Tháng Hai về đường Tô Hiến Thành. Được một thời gian thì đến nay giao thông ở khu vực này lại thường xuyên diễn ra cảnh ùn ứ trở lại. Theo đó, khu vực Sư Vạn Hạnh - Thành Thái - Ba Tháng Hai này là một trong 37 điểm nóng về kẹt xe ở TP.HCM.

Điểm nóng kẹt xe này đang được khẩn trương giải quyết thì cạnh dự án cao ốc nêu trên tiếp tục có một dự án khác, tạo thành một cụm dự án hoành tráng, kéo dài hơn 100 m, trên mặt tiền đường Sư Vạn Hạnh.

Đây là một trong những ví dụ điển hình về sự “lệch pha” trong việc xét duyệt các chỉ tiêu quy hoạch, cấp phép xây cao ốc trung tâm thương mại có xét đến ùn tắc giao thông. Đáng nói, sự “lệch pha” như thế thường xuyên xảy ra và TP.HCM phải tập trung xử lý hậu quả gây ra cho giao thông. Cụ thể, theo Sở GTVT, sở này đang phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp kiểm soát các khu tập trung đông người hiện hữu, nhất là ở khu vực trung tâm nhằm giải quyết kẹt xe.

MP

Mệt mỏi vì chạy theo giải quyết tình huống

Sở GTVT cho rằng việc đầu tư, xây dựng các cao ốc, chung cư hiện nay tồn tại bất cập. Cụ thể, nhiều dự án cao ốc, trung tâm thương mại, các công trình tập trung đông người được cấp phép xây dựng hoàn thành chuẩn bị đưa vào khai thác trong khi hạ tầng kỹ thuật xung quanh, đặc biệt là hệ thống giao thông chưa được đầu tư mở rộng theo quy hoạch. Chính vì vậy, khi các dự án này hoàn thành, đưa vào khai thác đã tạo ra áp lực lớn cho hạ tầng giao thông hiện hữu nên việc ùn tắc là khó tránh khỏi.

Sở GTVT gần như chỉ tham gia đối với việc kết nối giao thông và tổ chức giao thông của các dự án vào hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu. Trong đó chủ yếu tập trung vào các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn giao thông và lưu thông được tốt nhất trong điều kiện hạ tầng giao thông hiện hữu. Chính việc chạy theo giải quyết tình huống như thế này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông khi các dự án đưa vào khai thác, sử dụng.

Hiện Sở GTVT phối hợp cơ quan chức năng rà soát toàn bộ trung tâm thương mại, cao ốc, bệnh viện, trường học… trong nội đô để có phương án khắc phục hoặc đề nghị điều chỉnh chức năng hoạt động. Ngoài ra, Sở GTVT cũng phối hợp với Sở QH-KT khoanh vùng phát triển cao ốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm