Chiều 25-5, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo của Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) thông tin trong sáng cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và thống nhất ủng hộ chủ trương cho Công ty TNHH Hồ Tràm thực hiện dự án xây dựng sân bay chuyên dùng. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện và Công ty Hồ Tràm nghiên cứu tìm một địa điểm xây dựng khác, không phải vị trí Hồ Tràm đề xuất như hiện nay.
Ảnh hưởng nhiều tới người dân
Từ tháng 7-2016, Công ty Hồ Tràm có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ dự án xây sân bay chuyên dùng của công ty. Cụ thể, nhằm đưa đón khách du lịch từ các sân bay nội địa đến tham quan, nghỉ dưỡng, hội nghị, vui chơi giải trí, sử dụng các dịch vụ cao cấp tại Hồ Tràm Strip nên công ty quyết định đầu tư dự án xây sân bay chuyên dùng. Sau khi khảo sát với sự tham dự của cơ quan chức năng, địa phương, công ty đưa ra phương án xin được giao khu đất rộng hơn 244,3 ha thuộc địa phận hai xã Láng Dài và Lộc An (huyện Đất Đỏ). Trong đó, phần đất tại xã Lộc An hơn 47 ha và ở xã Láng Dài là hơn 196 ha.
Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thấy vị trí hiện nay do Công ty Hồ Tràm đề xuất ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống người dân tại khu vực. Thứ nữa, vị trí xây dựng sân bay rất gần dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Green HC (xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) rộng hơn 51 ha đã được tỉnh phê duyệt từ trước đó đang triển khai xây dựng. Do vậy, xét thấy cần tìm một địa điểm khác để phù hợp hơn.
Vị trí sân bay chuyên dùng do Công ty Hồ Tràm đề xuất quá gần Khu liên hợp xử lý chất thải Green HC đang xây dựng. Ảnh: TK
Tỉnh không “làm khó”
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Hải, Chánh Văn phòng UBND tỉnh BR-VT, trao đổi thêm với PV Pháp Luật TP.HCM: Tỉnh đã họp trong ngày 24-5 với Công ty Hồ Tràm để thống nhất lại. Phía công ty vẫn khẳng định xin đầu tư xây dựng tại vị trí công ty đã khảo sát và chọn. Dù vị trí sân bay chỉ cách Khu liên hợp xử lý chất thải Green HC đang xây dựng rất gần (một vị trí cách 190 m, một vị trí khác cách 350 m). Phía Công ty Hồ Tràm cho rằng sân bay sẽ không bị ảnh hưởng gì từ khu chôn lấp rác. Vấn đề về giá bồi thường, hỗ trợ người dân trong vùng dự án công ty sẽ thương lượng, thỏa thuận thỏa đáng với người dân…
Tuy nhiên, tỉnh BR-VT vẫn khẳng định rằng dù rất ủng hộ về chủ trương xây sân bay và không “làm khó” Công ty Hồ Tràm nhưng vị trí Công ty Hồ Tràm đưa ra chưa phù hợp. Thứ nhất là gần khu chôn lấp rác. Thứ hai, diện tích 244,3 ha đất đó là đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Khi giải tỏa hết, cuộc sống người dân sẽ rất khó khăn. Nhà nước cũng sẽ phải có những chính sách an sinh xã hội cho người dân về lâu dài. Giá đất tại khu vực trên đang rất “nóng”, khó để doanh nghiệp hỗ trợ trong khi vấn đề này Nhà nước không can thiệp.
Một lý do khác là tỉnh BR-VT cũng đang xúc tiến liên hệ với các bộ, ngành đẩy nhanh việc xây dựng sân bay Gò Găng. Đây là cảng hàng không phục vụ cho dân sinh, du lịch của Vũng Tàu nói chung và của tỉnh. Còn sân bay chuyên dùng của Công ty Hồ Tràm chỉ phục vụ cho nhu cầu vận chuyển khách đến khu nghỉ dưỡng này.
Nhà đầu tư không đồng ý chuyển Tỉnh BR-VT cũng đề xuất Công ty Hồ Tràm chuyển vị trí sân bay sang một khu đất khác rộng 253 ha, cũng tại xã Lộc An, là đất rừng phòng hộ tách ra giao lại cho Nhà nước quản lý. Vị trí này đường băng sẽ dài 2.700 m (so với yêu cầu của Hồ Tràm là 2.400 m) và cũng rất thuận lợi về mặt giao thông dù nền đất thấp. Tuy nhiên, Công ty Hồ Tràm không đồng ý vì cho rằng đã chọn vị trí trên dựa trên các tính toán khoa học. Sân bay chuyên dùng do Công ty Hồ Tràm đề xuất thuộc cấp 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Sân bay sẽ có một đường băng cất hạ cánh, kích thước 2.400 x 45 m, đáp ứng cho các loại máy bay Boeing B737 Max và máy bay A320 NEO… Ước tính đầu tư khoảng 4.250 tỉ đồng, vốn do Công ty Hồ Tràm tự trang trải. |