“Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống với Uber, Grab

Taxi truyền thống mong có sân chơi bình đẳng với Uber, Grab

“Taxi truyền thống không ngại cạnh tranh với Grab, Uber mà chỉ ngại môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, không sòng phẳng”. Đó là ý kiến chủ đạo của đại diện các doanh nghiệp (DN) taxi truyền thống, đại diện Hiệp hội Taxi TP.HCM tại tọa đàm “Taxi truyền thống chấp nhận cạnh tranh cùng Uber, Grab” do Pháp Luật TP.HCMtổ chức sáng 11-4.

Uber, Grab phải có “danh phận” rõ ràng

Sau Grab, tới lượt Uber Việt Nam và 3-4 DN khác vừa được Bộ GTVT chấp thuận cho thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ để quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, thực chất đây cũng là loại hình vận tải taxi nhưng hiện chưa được quản lý và đối xử tương xứng. Muốn có quy định quản lý phù hợp, trước tiên cơ quan quản lý nhà nước cần định danh, định phận rõ ràng cho Uber, Grab và các DN hoạt động tương tự.


“Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống với Uber, Grab ảnh 1

Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Vinasun. Ảnh: HTD

Ông Quý cho hay: “Trước khi lần lượt được cho thí điểm, Uber và Grab đã phát triển rầm rộ tại TP.HCM. Được biết trong đề án xin thí điểm, Uber đăng ký với hình thức là công ty ứng dụng công nghệ. Như vậy, về bản chất Uber chỉ có chức năng cung cấp phần mềm ứng dụng công nghệ cho các đơn vị có chức năng kinh doanh vận tải để các đơn vị này ký hợp đồng giao dịch cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, Uber và Grab lại hoạt động như các DN taxi, họ trực tiếp ký hợp đồng với khách hàng, quy định giá cước cùng các điều khoản về khuyến mãi, thanh toán…”.

Điều đáng nói, tuy cùng một bản chất nhưng các DN taxi truyền thống muốn hoạt động phải “gánh” tới 13 điều kiện kinh doanh (như phải có trung tâm điều hành, đăng ký tần số liên lạc, có ít nhất 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có tối thiểu 50 xe…, theo Nghị định 86/2014). Trong khi đó, Uber và Grab không chịu sự ràng buộc này. “Đó là lý do hiện một số nước như Pháp, Ý, Nhật... đã cấm Uber, Grab vì thực chất đây không phải công ty công nghệ mà là hoạt động taxi trá hình” - ông Quý nói.

Ông Quý nhấn mạnh Uber, Grab đã cạnh tranh không lành mạnh bằng việc áp dụng chiến lược “giá hủy diệt”. Giá cước rẻ, linh hoạt. Và từ đầu năm tới nay, các hãng này đã liên tiếp tung ra hàng loạt đợt khuyến mãi, có lúc giảm đến 50% giá cước chuyến đi, tặng các chuyến đi miễn phí... Trong khi đó, taxi truyền thống muốn giảm cước phải trải qua rất nhiều công đoạn như kê khai, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước, điều chỉnh, kiểm định toàn bộ đồng hồ cước với chi phí có khi lên đến cả tỉ đồng...

Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã đến tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: HTD

“Chúng tôi chấp nhận cạnh tranh nhưng phải cạnh tranh bình đẳng. Uber, Grab đang được quản lý như thế nào thì DN taxi Việt Nam cũng nên, cũng cần được quản như thế đấy” - ông Quý kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Sương, Phó Tổng Giám đốc Vận tải taxi Mai Linh, nói thêm: Không chỉ đưa ra giá hủy diệt, Grab và Uber còn có thể linh hoạt tăng giảm giá mà không bị cơ quan nào quản lý. Họ cũng không bị ràng buộc bởi quy định niên hạn xe, không tốn chi phí trang bị logo, đồng phục, đồng hồ cước…Ông Sương ủng hộ quan điểm “quản lý tương đồng”, tức nếu coi đó như hoạt động taxi thì không nên có sự phân biệt đối xử “bên trói, bên mở”…


“Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống với Uber, Grab ảnh 3 Ông Phạm Minh Sương, Phó tổng giám đốc vận tải taxi Mai Linh. Ảnh: HTD

“Nhà nước cần định danh, định phận rõ ràng cho Uber, Grab: Hoạt động taxi, chạy hợp đồng hay chỉ là nhà cung cấp ứng dụng công nghệ kết nối?” - ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, kiến nghị.

Bỏ đồng hồ cước có khi có lợi hơn?

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM, xác nhận: “Lẽ ra Uber chỉ được làm nhiệm vụ cung cấp phần mềm cho đơn vị có chức năng kinh doanh vận tải, sau đó đơn vị này sẽ hợp đồng trực tiếp với khách hàng thì mới đúng quy định pháp luật. Còn hiện nay, hoạt động của Uber không khác gì DN vận tải”.

“Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống với Uber, Grab ảnh 4 Ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM. Ảnh: HTD

Ông Giao cũng nhận xét hoạt động của taxi truyền thống, sau cú hích Grab, Uber đang có những tiến bộ đáng kể, nhiều hãng đã ứng dụng công nghệ để khách hàng đặt xe, khách đi lại được có thêm nhiều kênh tiện ích để chọn lựa, khách hàng được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý tần suất chạy rỗng hiện nay của taxi truyền thống vẫn thuộc loại cao, như thế lại góp phần tăng lưu lượng xe trên đường, làm kẹt xe, tăng khí thải vào môi trường và làm đội giá.

 “Tôi cho rằng sự đòi hỏi của các DN taxi là chính đáng. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các đơn vị kinh doanh đúng quy định. Các đơn vị kinh doanh chưa đúng quy định cần đưa vào khuôn khổ để quản lý cho tốt” - ông Giao nêu quan điểm.

Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho biết các lỗi vi phạm thường gặp của Grab, Uber là xe không gắn phù hiệu, logo đúng quy định. “Lâu nay thanh tra giao thông gặp nhiều khó khăn khi xử phạt các xe Uber, Grab do tài xế có rất nhiều cách đối phó. Nhiều khi anh em thanh tra giao thông biết đó là xe Uber, Grab nhưng do họ đang lưu thông nên không thể bắt dừng xe được. Lúc đó cần sự phối hợp, hỗ trợ của CSGT…” - ông Việt cho hay.


“Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống với Uber, Grab ảnh 5

Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT. Ảnh: HTD

Một ý kiến đáng chú ý tại tọa đàm là nếu không quản chặt được Grab, Uber thì nên… bỏ luôn đồng hồ cước cùng các quy định ràng buộc khi DN muốn tăng, giảm cước. Thay vào đó, các DN taxi truyền thống sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh giao tiếp với khách hàng. Điều này khiến DN linh hoạt trong việc điều chỉnh giá cước, vừa tiết kiệm chi phí vừa có lợi cho hành khách.

Ông Giao cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Sở GTVT về những ý kiến, đề xuất tại tọa đàm để tập hợp, chuyển tải thông tin tới Bộ GTVT, nhất là trong lúc Bộ đang tổ chức sơ kết hai năm thí điểm loại hình dịch vụ vận tải mới dạng Grab, tập trung sửa đổi Nghị định 86/2014 về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải.

Sẽ đầu tư bãi đỗ cho taxi

Ông Phạm Minh Sương, Phó Tổng Giám đốc Vận tải taxi Mai Linh, cho hay một số tuyến đường ở TP.HCM, Hà Nội hiện nay chỉ cấm taxi, còn Uber, Grab thì không. Muốn vào sân bay, taxi phải tham gia đấu thầu, còn Uber, Grab thì không ai kiểm soát được. Chiến dịch dọn dẹp vỉa hè hoàn toàn đúng nhưng cũng vì thế mà taxi phải chạy lòng vòng liên tục đợi khách làm gia tăng kẹt xe, khói thải… Hiện các DN taxi phải sử dụng khu đất trống và cây xăng để đậu, giao ca.

Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, UBND TP vừa cho phép UBND quận 1 thí điểm làm bến bãi cho taxi dừng, đỗ. Sở GTVT cũng đã giao Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng nghiên cứu tìm các bãi đỗ cho taxi. Nhà nước sẽ thực hiện khâu giải tỏa, bồi thường, tái định cư. Các DN taxi sẽ bỏ chi phí xây dựng bến bãi…

________________________________

Hiện nay chỉ có một số xe Uber, Grab dán logo vận tải, còn hầu hết hoạt động “tàng hình”. Vấn đề quản lý thuế cũng khiến các hãng taxi truyền thống bức xúc. Bởi hằng năm các hãng taxi phải nộp thuế hàng ngàn tỉ đồng trong khi Grab hai năm nay chỉ nộp mấy chục tỉ đồng.

Ông TẠ LONG HỶ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm