Cần khoảng 10.650 tỉ đồng để xử lý 8 dự án BOT có trạm thu phí

(PLO)- Bộ GTVT đề xuất ba nhóm giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc đối với tám dự án BOT có trạm thu phí còn vướng mắc. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa có Tờ trình báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ thống nhất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc đối với tám dự án BOT trên cả nước. Từ đó, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án sử dụng khoảng 10.650 tỉ đồng từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 để triển khai xử lý.

“Trường hợp không thể cân đối đủ từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023, báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn để xử lý” - Tờ trình của Bộ GTVT nêu.

Cần khoảng 10.650 tỉ đồng để xử lý 8 dự án BOT có trạm thu phí
Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 (đoạn qua TP Cần Thơ) là một trong tám dự án BOT có trạm thu phí còn vướng mắc, cần phải xử lý. Ảnh: CHÂU ANH

Còn 8 dự án BOT có trạm thu phí còn vướng mắc

Qua thống kê, theo loại hợp đồng BOT, cả nước đã huy động được 140 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, với tổng số tiền hơn 318.850 tỉ đồng đồng. Trong đó, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền 66 dự án, địa phương là cơ quan có thẩm quyền 74 dự án.

Đến nay, về cơ bản các dự án BOT đã khai thác, thu phí ổn định, còn lại sáu dự án có trạm thu phí còn vướng mắc, hai dự án còn bất cập nên chưa được thu phí.

Trong số có trạm thu phí còn vướng mắc, có ba dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án; hai dự án có trạm thu phí thuộc phạm vi dự án nhưng có bất cập nên chưa được thu phí và một dự án đã đầu tư nhưng do quy hoạch thay đổi nên không thể thu phí.

Cụ thể, dự án BOT Quốc lộ 2 (đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) hiện đang thu phí ổn định để hoàn vốn tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài. Tuy nhiên, từ năm 2012, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất di dời trạm thu phí này và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện đúng theo Hợp đồng BOT đã ký kết với nhà đầu tư.

Đến năm 2018, phát sinh tình trạng người dân tụ tập phản đối. Sau khi tuyên truyền, vận động, từ năm 2020 đến nay đã thu phí ổn định. Tuy nhiên gần đây, Bộ GTVT nhận được đề nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội và UBND TP Hà Nội đề nghị di dời trạm thu phí này về tuyến tránh TP Vĩnh Yên để thu phí, nhằm giảm nguy cơ ùn tắc, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án thứ hai là dự án BOT Quốc lộ 1 (đoạn tránh TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), dự kiến thu phí hoàn vốn tại trạm Bỉm Sơn trên Quốc lộ 1, cách phạm vi tuyến tránh gần 40km. Mặc dù dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2018, tuy nhiên do tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự nên chưa được thu phí.

Dự án thứ ba là hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân (thuộc Dự án BOT hầm Đèo Cả), Theo đó, trong điều kiện vốn ngân sách khó khăn, không cân đối đủ để tham gia dự án, cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (hướng song song với Quốc lộ 1). Qua đó, nhằm hỗ trợ nhằm bảo đảm phương án tài chính khi đầu tư mở rộng hầm Hải Vân.

Tuy nhiên, đến nay, dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng Bộ GTVT chưa cho phép thành lập trạm thu phí do nằm ngoài phạm vi dự án. Đồng thời, yêu cầu báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thay thế cơ chế hỗ trợ bằng vốn nhà nước.

Cần khoảng 10.650 tỉ đồng để xử lý 8 dự án BOT có trạm thu phí
Dự án BOT hầm Đèo cả đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng Bộ GTVT chưa cho phép thành lập trạm thu phí do nằm ngoài phạm vi dự án. Ảnh: PLO

Dự án thứ tư là dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 và xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới, dự kiến thu phí tại hai trạm trên Quốc lộ 3 và trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới để hoàn vốn. Sau khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư chỉ được thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới, còn tại trạm Quốc lộ 3 chưa được thu phí do người dân chưa đồng thuận.

Dự án thứ năm là dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 (đoạn qua TP Cần Thơ), thu phí hoàn vốn tại trạm T1 và trạm T2, đặt trong phạm vi dự án. Tuy nhiên, sau khi cầu Vàm Cống hoàn thành, người dân không đồng thuận nên trạm thu phí T2 phải dừng thu phí.

Dự án thứ sáu là dự án BOT cải tạo luồng sông Sài Gòn và xây dựng mới cầu đường sắt Bình Lợi, dự kiến thu phí các phương tiện tàu thủy để hoàn vốn thông qua ba cảng đường thủy, gồm: cảng An Sơn, Rạch Bắp và Bến Súc. Tuy nhiên, đến nay cầu đường sắt Bình Lợi đã đưa vào khai thác nhưng không thể thu phí tại các cảng đường thủy theo phương án tại hợp đồng, do tỉnh Bình Dương điều chỉnh quy hoạch cảng thủy nội địa trên sông Sài Gòn.

Riêng đối với hai dự án BOT của hai địa phương có trạm thu phí bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, địa phương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhưng chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để xử lý.

Chia thành ba nhóm để xử lý

Bộ GTVT đề xuất ba nhóm giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc đối với tám dự án BOT có trạm thu phí còn vướng mắc, với tổng nhu cầu vốn khoảng khoảng 10.650 tỉ đồng.

Cần khoảng 10.650 tỉ đồng để xử lý 8 dự án BOT có trạm thu phí
Trong phương án kiến nghị xử lý tám dự án BOT, Bộ GTVT kiến nghị chấm dứt hợp đồng của dự án BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91 (TP Cần Thơ). Ảnh: CHÂU ANH

Theo đó, Bộ GTVT đưa ra giải pháp là chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và thanh toán chi phí đầu tư xây dựng và chi phí vận hành khai thác, bảo trì, chi phí lãi vay, lợi nhuận trong giai đoạn khai thác đối với năm dự án.

Trong đó, có hai dự án đã hoàn thành không được thu phí, gồm dự án BOT xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn; Đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa thuộc Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa.

Hai dự án chỉ được thu phí một trong hai trạm nên doanh thu sụt giảm, đã áp dụng giải pháp bổ sung vốn nhà nước nhưng vẫn không khả thi (dự án BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, đoạn qua TP Cần Thơ).

Một dự án sụt giảm doanh thu và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự (dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Đắk Lắk).

Nhóm thứ hai gồm hai dự án có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi (dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và dự án BOT xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (cầu Văn Lang). Đối với nhóm này, Bộ GTVT kiến nghị sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia kéo dài thời gian hoàn vốn.

Riêng đối với dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, Bộ GTVT đưa ra phương án xử lý là điều chỉnh cơ chế hỗ trợ của nhà nước bằng quyền thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan và kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm