Chủ tịch Quốc hội: Tổng rà soát, bãi bỏ những thủ tục không hợp lý

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội yêu cầu HĐND phối hợp với chính quyền rà soát các văn bản thủ tục hành chính do địa phương tạo ra, cái gì không hợp lý thì bãi bỏ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-3, sau một ngày làm việc, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, TP năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

“Năm ngoái, chúng ta nhận định có làn gió tươi mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương, năm nay thấy nhận định đó là đúng. Làn gió tươi mới này có phạm vi rộng lớn hơn, tác động lan tỏa hơn, hiệu quả tốt hơn năm ngoái” - Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ nói khi kết luận hội nghị.

“TP.HCM là một điển hình trong việc triển khai Nghị quyết 98”

Đánh giá chung, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định khối lượng công tác HĐND năm qua là rất lớn, HĐND các tỉnh, TP tổ chức đến 357 kỳ họp. “Tôi tính bình quân một tỉnh, TP có 5,66 kỳ họp trong khi Luật Tổ chức HĐND quy định một năm có hai kỳ họp thường kỳ” - ông Huệ dẫn chứng.

Chủ tịch Quốc hội: Tổng rà soát, bãi bỏ những thủ tục không hợp lý
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: QH

Với số kỳ họp như vậy, số lượng nghị quyết ban hành cũng ở mức “rất kỷ lục”, với gần 6.400 nghị quyết đã được HĐND ban hành, bình quân 193 nghị quyết/tỉnh, TP, trong số đó có hơn 1.680 nghị quyết quy phạm pháp luật.

Về giám sát, Chủ tịch QH thông tin có hơn 1.330 đoàn giám sát ở 63 tỉnh, TP, thông qua giám sát đã phát hiện 13.273 vấn đề vướng mắc và bất cập.

Ông cũng nhấn mạnh năm 2023 còn có khối lượng công việc đột xuất mà các năm khác không có. Đó là việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn, gồm 1.700 chức danh ở cấp tỉnh và 12.028 chức danh ở cấp huyện. “Nói vậy để thấy con số rất lớn, thậm chí lớn hơn QH” - ông nói.

Ngoài ra, một nội dung nổi lên trong năm là hoạt động của HĐND ngày càng hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ phát triển chung của địa phương.

Chủ tịch QH cho hay những địa phương có hoạt động HĐND tốt thì thu ngân sách và tăng trưởng khá, điều này cho thấy vai trò quan trọng của cơ quan dân cử. Ông dẫn chứng TP.HCM thu ngân sách năm rồi đạt hơn 450.000 tỉ đồng, Hà Nội lần đầu tiên vượt mốc hơn 400.000 tỉ đồng, Hải Phòng cũng vượt qua mốc trên 100.000 tỉ đồng…

Đáng chú ý, ông Vương Đình Huệ nhìn nhận các địa phương đã rất tích cực trong triển khai các luật, nghị quyết của QH, đặc biệt là những nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù.

“TP.HCM là một điển hình trong việc triển khai Nghị quyết 98. Chúng tôi tính ra riêng năm 2023 có đến 25 nghị quyết của HĐND TP được ban hành để triển khai việc thực hiện nghị quyết này của QH…” - ông Vương Đình Huệ nêu rõ.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm có trách nhiệm của HĐND

Tuy vậy, Chủ tịch QH cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác HĐND năm qua. “Vấn đề chuẩn bị cho việc tiến hành các kỳ họp còn có lúc chưa thực sự chủ động. Chất lượng thẩm tra, việc gửi tài liệu cho đại biểu… chúng ta đã hạn chế dần, khắc phục được nhiều nhưng cũng chưa hết” - ông Vương Đình Huệ nhận xét.

Bên cạnh đó, hoạt động của HĐND, thường trực, các ban đại biểu HĐND chưa được đồng đều ở các địa phương với nhau và trong từng địa phương cũng thế.

“Các vấn đề đang vướng mắc có một phần trách nhiệm của HĐND, như giải ngân vốn đầu tư công chậm. Việc giải quyết các kiến nghị, nghị quyết giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa có nhiều chuyển biến, những dự án này nằm ở địa phương cả. Mấy trăm dự án đã có danh mục hết cả rồi nhưng tiến triển chậm thì cũng có trách nhiệm của chúng ta” - Chủ tịch QH nói.

Ông Vương Đình Huệ cũng cho rằng tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh tuy đã giảm bớt nhưng vẫn còn. Những nội dung Chính phủ, QH đã chỉ ra trong các kỳ họp cũng có trách nhiệm của HĐND các cấp, nhất là cấp tỉnh.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, ông đề nghị HĐND tiếp tục bám sát, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, Thường vụ cấp ủy đối với tổ chức, hoạt động của HĐND nhiều hơn.

“Đây là nhân tố quyết định đối với việc đi đúng định hướng, chức năng nhiệm vụ, “đúng vai thuộc bài”, có cơ sở chính trị, pháp lý để làm” - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

p3-anh-box-tong-ket-hdnd.jpg
Các đại biểu tham dự tại hội nghị. Ảnh: QH

“Bảo quan tâm nhưng bảng lương không biết nằm ở đâu”

Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch QH đề nghị HĐND các địa phương tập trung rà soát hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Bên cạnh đó, đóng góp nhiều hơn, sát sao, trách nhiệm hơn nữa cho việc xây dựng luật và nghị quyết của QH, nhất là các luật có liên quan đời sống kinh tế - xã hội địa phương.

Các địa phương cũng cần có kế hoạch triển khai các dự án luật như đất đai, Bất động sản, căn cước, lực lượng trật tự cơ sở. Năm 2026, ban hành bảng giá đất thì phải chuẩn bị từ bây giờ, nếu không không kịp.

Trong năm nay, QH yêu cầu tổng rà soát thủ tục hành chính, HĐND cần phối hợp với chính quyền rà soát các văn bản thủ tục hành chính do địa phương tạo ra, cái gì không hợp lý thì bãi bỏ...

“Các địa phương rà soát đầu tư công, thúc đẩy đầu tư công, tìm ra điểm vướng và chuẩn bị đầu tư công cho nhiệm kỳ sau” - ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Ngoài ra, ông cũng yêu cầu đổi mới toàn diện hoạt động của HĐND, đặc biệt là kỳ họp của HĐND. “Đề nghị tăng cường chất lượng kỳ họp HĐND cấp tỉnh” - ông nói và nhấn mạnh chất lượng đại biểu quyết định chất lượng cơ quan dân cử.

“Hôm nay, trưởng Ban Pháp chế HĐND Hà Tĩnh kiến nghị, đề xuất sát thực đấy. Các bác cứ bảo quan tâm nhưng xe cộ chúng em chả thấy đâu cả. Bảng lương chúng em không biết nằm ở đâu, quy hoạch các bác không quan tâm thì chết chúng em. Đào tạo bồi dưỡng không quan tâm nữa thì rất là gay go…” - ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch QH đề nghị HĐND các địa phương quan tâm công tác thành lập địa giới hành chính mới, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện, nhất là giải quyết lao động đôi dư, chính sách đãi ngộ người trong diện sắp xếp.

Một vấn đề nữa, ông đề nghị cấp ủy, Thường trực HĐND quan tâm công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn đại biểu HĐND các cấp, nguồn đại biểu QH để giới thiệu cho nhiệm kỳ mới…

Bốn tỉnh chưa kiện toàn chủ tịch HĐND

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về tổng kết tổ chức và hoạt động của HĐND, đến ngày 10-3, cơ cấu tổ chức của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND ở một số địa phương có sự thay đổi.

Theo đó, kiện toàn bầu ba chủ tịch HĐND ở ba tỉnh Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương; chín phó chủ tịch HĐND ở TP.HCM, Cao Bằng, Quảng Trị, Lâm Đồng, Bình Phước, Hòa Bình, Phú Yên, Thái Bình, Bắc Kạn.

Cũng theo báo cáo, trong 61 chủ tịch HĐND các tỉnh, TP có 19 người là ủy viên Trung ương Đảng; 18 người là bí thư tỉnh, thành ủy; 34 người là phó bí thư tỉnh, thành ủy và 10 người là ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy.

Về cơ bản, các địa phương đều bố trí ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy, tỉnh ủy viên, thành ủy viên giữ chức phó chủ tịch HĐND. Cả nước hiện có 54 phó chủ tịch HĐND là ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy và 58 phó chủ tịch HĐND là tỉnh ủy viên, thành ủy viên.

Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ QH cho biết trong năm 2023, HĐND một số tỉnh, TP đã miễn nhiệm hai chủ tịch HĐND (TP Đà Nẵng, Quảng Nam) và tám phó chủ tịch HĐND (TP.HCM, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Bình Phước, Phú Yên, Quảng Trị, Thái Bình) do chuyển công tác.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên bị miễn nhiệm do xử lý kỷ luật và chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương là ông Phạm Xuân Thăng bị bãi nhiệm do bị khởi tố. Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố, bắt tạm giam hai chủ tịch HĐND ở Lâm Đồng và Vĩnh Phúc.

Cũng theo báo cáo, hiện còn một số tỉnh, TP chưa kiện toàn chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND theo luật định. Cụ thể, TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng hiện chưa kiện toàn chủ tịch HĐND; TP.HCM và các tỉnh Ninh Thuận, Ninh Bình, Long An, Hòa Bình, Bắc Ninh chưa kiện toàn phó chủ tịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm