Chiều 15-4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP Hà Nội về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội hiện TP có 6 bến xe và 41 cặp điểm đón trả khách cho xe khách liên tỉnh. Cùng với đó TP có 156 tuyến xe buýt tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã, kết nối 6 tỉnh, thành phố lân cận.
Đến năm 2023, số điểm ùn tắc giao thông tại Hà Nội giảm xuống còn 33 điểm; có 5 điểm đen về tai nạn hiện đang tập trung xử lý trong năm 2024.
Sở GTVT Hà Nội cũng rà soát 234 vị trí có mật độ phương tiện giao thông lớn, cần bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng; 154 vị trí khu vực trường học để thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; 193 điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để xử lý, khắc phục.
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đánh giá trong những năm qua Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, triển khai thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; phát triển giao thông vận tải hành khách công cộng, hệ thống giao thông thông minh...
Hà Nội cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng, chống ùn tắc giao thông. Đến nay tình hình tai nạn giao thông giảm dần cả 3 tiêu chí; ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn.
Tuy nhiên các ý kiến cũng cho rằng áp lực về giao thông vận tải của Hà Nội hiện nay rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, hạ tầng giao thông còn yếu, quỹ đất cho giao thông còn hạn chế, nhiều dự án trọng điểm về giao thông kéo dài, vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu…
Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An nêu vấn đề, liệu Hà Nội có thực hiện quy hoạch 8 tuyến BRT còn lại hay không khi có nhiều ý kiến trái chiều.
“Nếu thực hiện thì điều gì cần rút kinh nghiệm khi ảnh hưởng của hạ tầng BRT đến giao thông chung là có” - ông An nói.
Về nội dung này, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của Quy hoạch chung thủ đô, đồng bộ với quy hoạch thủ đô.
Trong đó bổ sung 24 tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong Vùng thủ đô. Đặc biệt Hà Nội sẽ quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550 km.
"Loại hình vận tải hành khách công cộng này sẽ là “xương sống” của giao thông đô thị của TP. Còn theo điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô, thành phố sẽ thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị” – ông Tuấn nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết trong thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành 7 dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, kết nối vùng; chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch; nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 - 2026 lên khoảng 30%.
Tuyến buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã - Hà Đông được Hà Nội đưa vào sử dụng tháng 12- 2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỉ đồng). Tuyến có chiều dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỉ đồng/xe.
Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tuy được đầu tư với kinh phí đắt đỏ nhưng sau nhiều năm vận hành, tuyến buýt nhanh BRT chưa đáp ứng được kỳ vọng ở cả 3 tiêu chí nêu trên. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, tuyến buýt này đang gây bất cập, lãng phí hạ tầng giao thông khi buýt chuyên chở được ít nhưng chiếm nhiều diện tích đường.