Lý do Hà Nội không dừng khai thác tuyến buýt nhanh BRT

(PLO)-  Theo ông Hà, tuyến xe buýt nhanh BRT luôn có sản lượng khách đi lại thường xuyên, khách đi vé tháng cao nhất đạt bình quân 2,2 nghìn hành khách/tháng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 17-11, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, ở UBND huyện Thanh Oai, TP Hà Nội, Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (đơn vị bầu cử số 6 của TP) cho biết, những thắc mắc, kiến nghị tại các buổi tiếp xúc lần trước đều được chuyển tới các bộ, ban ngành liên quan để có được câu trả lời, phản hồi lại cho cử tri.

Trong đó, ở buổi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 4 (hôm 30-9), có cử tri kiến nghị về việc đánh giá tổng thể của hiệu quả tuyết xe buýt nhanh BRT và xem xét dừng khai thác tuyến đường dành riêng cho xe này.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hà thông tin, UBND TP Hà Nội đã trả lời lại như sau: Sản lượng và doanh thu của tuyến xe buýt nhanh luôn ở nhóm dẫn đầu và có xu hướng tăng qua các năm.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà trả lời cử tri về tuyến buýt nhanh BRT chiều ngày 17-11. Ảnh PHI HÙNG

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà trả lời cử tri về tuyến buýt nhanh BRT chiều ngày 17-11. Ảnh PHI HÙNG

Cụ thể: Sản lượng vận chuyển năm 2018 là 5,3 triệu người, tăng 6,3% so với năm 2017; năm 2019 tăng 3,7%; năm 2020 và 2021 bị giảm do dịch COVID-19.

Tuyến xe buýt nhanh BRT luôn có sản lượng khách đi lại thường xuyên, khách đi vé tháng cao nhất đạt bình quân 2,2 nghìn hành khách/tháng. Doanh thu năm 2018, 2020 đứng thứ hai và năm 2019, 2021 đứng thứ nhất toàn mạng.

Việc phát triển đầu tư vận tải hành khách đông, ít có nước nào đem lại vận tải công cộng để tính lỗ -lãi. Vì bản chất phương tiện công cộng là để giảm ùn tắc và hầu hết là được trợ giá.

Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh cũng phát triển xe buýt nhanh. Việc phát triển loại hình vận tải công cộng này làm gián tiếp tối ưu hóa lợi ích của toàn xã hội với khả năng vận chuyển hành khách lớn.

Theo ông Hà, ít có nước nào phát triển giao thông công cộng tính đến chuyện lãi - lỗ. Ảnh PHI HÙNG

Theo ông Hà, ít có nước nào phát triển giao thông công cộng tính đến chuyện lãi - lỗ. Ảnh PHI HÙNG

Hệ thống giao thông công cộng cũng giúp giảm ùn tắc trong giờ cao điểm, giảm ô nhiễm không khí, bảo đảm toàn cho hành khách và tiết kiệm nhiên liệu.

Bên cạnh đó, với hệ thống này người lao động sẽ đến công sở nhanh hơn, tăng năng suất lao động toàn xã hội. Đồng thời, giúp giảm thiểu đầu tư cho hệ thống giao thông đô thị.

Đây cũng là phương tiện phục vụ tất cả các tầng lớp lao động, trong đó đặc biệt là sinh viên, lao động nghèo, nên giá vé phải rẻ, phù hợp với thu nhập. Do đó, hầu hết các chính phủ đều kiểm soát giá vé của các loại phương tiện này.

Trước đó, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ở quận Hà Đông, TP Hà Nội hôm 30-9, cử tri Đào Văn Phê cho rằng, dự án xe buýt nhanh BRT đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, qua thời gian hoạt động hiệu quả không cao, ít khách đi, nhưng lại bố trí cả 1/3 làn đường dành riêng cho xe chạy.

Chỉ còn lại 2/3 làn đường dành cho các phương tiện ô tô, xe máy thông thường.

Điều này dẫn đến tình trạng ùn tắc, cản trở giao thông, do đó cử tri này kiến nghị cho dừng chạy xe tuyến buýt nhanh BRT. Đồng thời, Sở GTVT TP Hà Nội cần tiến hành thanh kiểm tra trong việc đầu tư dự án trên.

“Như đài báo đã đưa tin, qua sơ bộ kiểm tra, có công đoạn của dự án 42 tỷ đồng nhà đầu tư không giải trình được.

Tránh tình trạng cứ đề xuất dự án để bớt xén, còn hiệu quả thế nào thì Nhà nước và dân chịu”- cử tri Phê nói.

Tuyến xe buýt nhanh BRT01 được vận hành từ năm 2017, chạy trên làn đường ưu tiên từ bến Kim Mã đến Yên Nghĩa, với chặng đường dài 14,77 km.

Dù mang nhiều kỳ vọng cho vận tải hành khách công cộng Thủ đô, nhưng ngay từ khi mới triển khai, tuyến BRT này đã vấp phải nhiều luồng ý kiến dư luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm