Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội (giai đoạn 2003 - 2016).
Cơ quan thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại các dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, trong đó có hợp phần I - xe buýt nhanh BRT - thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội.
Tuyến buýt nhanh BRT tại Hà Nội. Ảnh: Bộ GTVT
Đầu tư lớn nhưng hiệu quả nhỏ
Theo kết luận thanh tra, quá trình thực hiện hai gói thầu xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến bến xe Yên Nghĩa, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bêtông nhựa bằng mặt đường bêtông ximăng.
Trong khi đó, hồ sơ báo cáo khảo sát nền mặt đường dự án cho thấy cường độ mặt đường tại các tuyến đường này đều tốt. Việc thay thế mặt đường từ nhựa sang ximăng đã gây lãng phí ngân sách nhà nước hơn 15 tỉ đồng.
TTCP còn phát hiện chủ đầu tư bổ sung các thiết bị có tổng giá trị hơn 17,6 tỉ đồng vào gói thầu nhưng không tổ chức đấu thầu mà ký hợp đồng bổ sung với nhà thầu, vi phạm Luật đấu thầu và Luật xây dựng.
TTCP nhận định tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang vận tải công cộng.
Điển hình, các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ trên tuyến BRT chưa thuận tiện, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật. Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.
“Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt được mục tiêu đề ra là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố” – cơ quan thanh tra kết luận.
Chuyển công an nếu không thu hồi được tiền
Cũng theo TTCP, quá trình thanh tra, cơ quan này phát hiện số tiền sai phạm tại hợp phần I - xe buýt nhanh BRT - thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội là hơn 43,5 tỉ đồng.
Trong đó, 42,4 tỉ đồng do Công ty cổ phần Thiên Thành An bán 35 chiếc xe buýt BRT cho chủ đầu tư, giá trị chênh lệch tăng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện; hơn 206 triệu đồng được chủ đầu tư thanh toán vượt mức cho nhà thầu ở dịch vụ kiểm tra xe (chi phí tiền ăn, thuê xe…).
Ngoài ra, cơ quan thanh tra còn xác định gần 1 tỉ đồng sai phạm tại gói thầu 01d/BRT-XL và khoản chi phí huy động, giải thể công trường trong dự toán 7 gói thầu xây lắp do lập không đúng quy định.
Từ những căn cứ đã nêu, TTCP đã kiến nghị giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục những tồn tại bất cập trong quá trình đầu tư xây dựng, khai thác tuyến BRT; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tham gia sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng…
Cùng với đó, chỉ đạo điều chỉnh giảm khối lượng tính thừa hơn 823 triệu đồng tại gói thầu trạm trung chuyển bến xe Kim Mã, rà soát số tiền hơn 1 tỉ đồng tiền thép do nhà thầu chưa chứng minh đủ hồ sơ, hóa đơn.
Đáng chú ý, TTCP khẳng định cần thu hồi số tiền 42,4 tỉ đồng từ Công ty cổ phần Thiên Thành An về ngân sách nhà nước. Nếu Công ty cổ phần Thiên Thành An không thực hiện thì UBND TP Hà Nội chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.