Đà Nẵng đang mời gọi đầu tư siêu dự án tàu điện Đà Nẵng-Hội An với tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2023. Giải thích về tính cấp thiết của dự án, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, cho rằng nhu cầu vận chuyển hành khách giữa Đà Nẵng-Quảng Nam trong những năm sắp tới là rất lớn trong khi phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng kịp. Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông nhận định Đà Nẵng đang làm giao thông không theo quy hoạch cụ thể nào.
Sốt sắng chào mời
Là người giới thiệu và chào mời đầu tư siêu dự án này tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng mới đây, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, thông tin: Toàn tuyến tàu điện sẽ có chiều dài khoảng 33 km, kết nối từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng qua trung tâm TP đến Hội An theo tuyến đường ven biển. Dự án cần số vốn khoảng 7.500-15.000 tỉ đồng (tương đương 330-660 triệu USD), hình thức đầu tư ODA hoặc PPP, thời gian thực hiện 2017-2023.
Về sự cấp thiết đầu tư dự án, ông Sơn cho hay do sự gia tăng phương tiện cá nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng và Hội An thời gian qua rất cao nên cần thay thế bằng vận tải công cộng. Đồng thời tuyến xe buýt Đà Nẵng-Hội An cũ kỹ đang làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, phát triển du lịch cũng như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh, thành. “Do đó, việc đầu tư tàu điện hiện đại trong vòng sáu năm tới là cần thiết” - ông Sơn khẳng định.
Ngày 3-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho hay hiện có nhiều nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu về dự án này. Sở GTVT đã định hướng cho họ hướng nghiên cứu cụ thể phương án kết nối lượng khách Đà Nẵng-Hội An vì đây là hai khu vực du lịch trọng điểm.
Ông Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, cũng cho rằng dự án có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. “Mình thống nhất để họ tự do nghiên cứu. Còn việc quyết làm hay không thì chờ có báo cáo của nhà đầu tư mới biết được” - ông Dương nói.
Tuyến buýt Đà Nẵng-Hội An chưa khai thác đến 50% tải xe. Trong ảnh: Hành khách thưa thớt trong giờ cao điểm chiều 3-11. Ảnh: TẤN VIỆT
“Nói xe buýt quá tải là không có căn cứ”
Trái với những ý kiến sốt sắng về dự án trên, một cán bộ làm ở Phòng Kinh tế đối ngoại, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho hay: “Hiện chỉ có một viện nghiên cứu của Hàn Quốc quan tâm và đã đưa ra ý tưởng, đang nghiên cứu chứ chưa có kết quả cụ thể. Định hướng là có, mong muốn đầu tư là có và TP cũng như tỉnh Quảng Nam cũng muốn đầu tư. Nhưng làm một dự án quy mô quá lớn, ngân sách không có nên phải nghiên cứu bài bản” - vị cán bộ này nói.
Mang dự án trao đổi với ông Hoàng Văn Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải thủy bộ và Du lịch Hội An, đơn vị vận hành tuyến buýt Đà Nẵng-Hội An hiện tại, ông này phản bác ngay. “Nói xe buýt cũ kỹ thì đúng vì chúng tôi đầu tư 10 năm rồi, giờ chuẩn bị thay thế dàn xe mới và phải đầu tư theo chu kỳ. Nhưng nói xe buýt quá tải, ảnh hưởng đi lại của người dân là không có căn cứ” - ông Thùy nói.
Siêu dự án được giới thiệu là nhận được sự quan tâm từ cả tỉnh Quảng Nam. Nhưng ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, lại tỏ ra khá mơ hồ về dự án này. “Trước đây phía Đà Nẵng có vào làm việc với chúng tôi một lần, cũng đang ở giai đoạn tiếp tục nghiên cứu chứ chưa có gì rõ ràng. Vấn đề quan trọng là tiền ở đâu. Đầu tư theo Luật Đầu tư công thì còn nhiều việc cần làm rõ. Trước mắt, UBND tỉnh mới chỉ đạo cho Sở GTVT tham mưu điều chỉnh quy hoạch, còn về dự án thì chưa có gì cả” - ông Sinh khẳng định. |
Theo ông Thùy, tuyến buýt hiện tại không những không quá tải mà còn chưa đạt 50% tải xe. “Xe buýt là vận tải công cộng, nếu nói quá tải thì họ (Đà Nẵng - PV) đã điều chỉnh tần suất hoạt động chứ không giữ nguyên như hiện nay đâu” - ông Thùy nói. Mặt khác, nhu cầu đi xe buýt và tàu điện của hành khách là hoàn toàn khác nhau. Do đó, các trạm xe buýt đón khách tương đối ngắn, còn tàu điện thì dài hơn.
Trao đổi với PV, một chuyên gia đang công tác tại Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Đà Nẵng (xin giấu tên) nhận định Đà Nẵng đang làm giao thông không theo quy hoạch cụ thể nào. “Chúng ta thiếu một bản quy hoạch cho 50 năm tới. Nói giao thông nên đầu tư trước thì quá đúng nhưng đầu tư theo kịch bản nào, quy hoạch nào hay cứ năm này nghĩ ra dự án, năm sau lại nghĩ ra dự án khác, rất chồng chéo. Dù cho là siêu dự án tàu điện hay dự án nhỏ lẻ nào, không có quy hoạch thì khó khả thi” - vị này nói.
Cảnh giác sập bẫy bất động sản Một số chuyên gia kinh tế khuyến cáo cần cảnh giác với các hoạt động ăn theo siêu dự án tàu điện Đà Nẵng-Hội An để thổi giá bất động sản phía Nam Đà Nẵng. Đà Nẵng từng nóng vội xin đầu tư dự án hầm qua sông Hàn hơn 4.000 tỉ đồng. Khi Thủ tướng Chính phủ “tuýt còi”, bong bóng thị trường địa ốc ăn theo bỗng xì hơi, để lại nhiều thua lỗ cho các nhà đầu tư. Lần này, dự án tàu điện Đà Nẵng-Hội An mang lại nhiều hoài nghi cho thị trường và người dân cần hết sức cảnh giác để tránh sập bẫy bất động sản.“ Bây giờ chúng tôi không dám tin vào các dự án ngàn tỉ nữa” - bà Đặng Thanh Thiện, chuyên gia tư vấn bất động sản tại Đà Nẵng, cho hay. |