Kẹt xe đang chuyển dần vào hẻm

Kẹt xe đang chuyển dần vào hẻm ảnh 1

Cứ vào giờ cao điểm, dòng xe lại ùn ùn đổ vào hẻm 270 đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận gây kẹt xe kéo dài. (Ảnh chụp chiều 9-3) Ảnh: V.HOA

Thời gian qua, Sở GTVT đã cho gắn bảng chỉ dẫn tại nhiều con hẻm để hướng dẫn người đi đường thoát khỏi những điểm kẹt xe. Không ít điểm nóng đã “hạ nhiệt” nhờ biện pháp này, tuy nhiên nhiều con hẻm lại thường xuyên trở thành những điểm kẹt xe.

Hẻm 131 đường Tô Hiến Thành, phường 13, quận 10 nối thông đường Hòa Hưng với đường Tô Hiến Thành. Vào các giờ cao điểm, khi những tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Hòa Hưng, Tô Hiến Thành đông xe cộ thì việc lưu thông trong hẻm cũng bắt đầu căng thẳng. “Dòng người từ hai bên dồn lại khiến con hẻm chật cứng. Đã vậy nhiều người còn không chịu nhường đường, đua nhau chen lên nên kẹt càng thêm kẹt” - ông Nguyễn Văn Minh, nhà trong hẻm 131, nói.

Kẹt xe đang chuyển dần vào hẻm ảnh 2

Để tránh ô tô vào hẻm gây kẹt xe, người dân hẻm 270 đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận phải có thêm cảnh báo bên cạnh bảng chỉ dẫn do cơ quan chức năng làm. Ảnh: V.HOA

Những con hẻm thông từ đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) ra Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) cũng giúp kéo giảm tình trạng ùn ứ khá nhiều. Tuy nhiên, việc hướng dẫn người đi đường chạy vào nhiều con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo trong khu dân cư lại có tác dụng ngược. Nhiều người chạy xe vào các đường tránh này đã phải vã mồ hôi để tìm lối ra đường lớn do hẻm sâu, bảng chỉ dẫn ít, kích cỡ nhỏ nên rất khó thấy. Tại hẻm 270 đường Phan Đình Phùng, ô tô còn thường xuyên “chui” vào hẻm trong giờ cao điểm khiến tình trạng còn tồi tệ hơn kẹt xe ngoài đường lớn. Nguyên nhân là phía đầu hẻm (khá rộng) có bảng chỉ dẫn hướng đi trong giờ cao điểm nhưng lại không gắn bảng cấm ô tô.

Kẹt xe đang chuyển dần vào hẻm ảnh 3

Việc các taxi đi vào hẻm trong giờ cao điểm đã góp phần chuyển kẹt xe từ đường vào hẻm. (Ảnh chụp chiều 9-3 tại hẻm 58 đường Thành Thái, quận 10) Ảnh: HTD

Về vấn đề này, ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT, cho biết: “Do nhiều gia đình trong hẻm có ô tô nên Sở không thể cấm ô tô lưu thông trong các hẻm được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ xem xét để có hình thức hướng dẫn người dân hợp lý hơn”. Ông Phúc cũng thông tin thêm thời gian qua việc hướng dẫn xe máy lưu thông vào hẻm đã giúp giải quyết tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm. Sở GTVT đang tiếp tục phối hợp với các quận khảo sát, gắn thêm bảng hướng dẫn tại nhiều hẻm mới. Điều này chỉ thực hiện tại các hẻm rộng, dễ lưu thông chứ không làm với các hẻm chật, chạy ngoằn ngoèo trong các khu dân cư như trước kia.

Hẻm hết bình yên

Từ lúc các con hẻm “gánh” thêm xe cộ từ đường lớn ùa vào, đời sống của người dân trong hẻm cũng phải thay đổi theo. Ông Nguyễn Văn Minh (hẻm 131 đường Tô Hiến Thành, quận 10) nói khi thấy người qua lại đông hơn, ông và một số hàng xóm bán tạp hóa từng mừng thầm vì cửa hàng của họ sẽ đắt khách hơn. Nhưng thực tế “với dòng người và xe cộ bủa vây nườm nượp, ai cũng lo tìm đường thoát thân thì tâm lý đâu mà mua với bán” - ông Minh ngán ngẩm.

Còn chị Trương Thị Bạch Mai, hẻm 501 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, cho hay: Từ lúc xe cộ qua lại thường xuyên hơn, các gia đình trong hẻm phải “nhốt” trẻ em trong nhà vì sợ tai nạn. Lịch sinh hoạt nhiều gia đình cũng phải thay đổi. “Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, sợ kẹt xe trễ giờ học nên phải dậy rất sớm để ra khỏi nhà trước khi có dòng xe ùn ùn kéo vào hẻm” - chị Mai nói.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm