Theo đó, vào lúc 12 giờ ngày 11-10, tại vị trí trên xảy ra sự cố nghiêng lệch trụ cầu T4, sập trôi nhịp số 4 và số 5 cầu Ngòi Thia làm tám người bị chết và mất tích.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái thành lập tổ điều tra sự cố để tìm nguyên nhân.
Từ ngày 5 đến 11-10, có tác động của việc khai thác làm biến đổi địa hình, địa mạo vùng thượng lưu, dẫn đến lũ có tốc độ tập trung nhanh làm thay đổi hướng dòng chảy chính và thay đổi mặt cắt thoát nước qua cầu.
Bên cạnh đó, lũ lớn cuốn theo cây và các bụi tre mắc lại đã làm tăng sự cản trở khả năng thoát nước, tạo ra các dòng chảy rối xung quanh thân trụ gây xói sâu dưới chân trụ T4 làm nghiêng lệch trụ T4, sập luôn nhịp 4 và nhịp 5.
“Sự cố trên là do nguyên nhân thiên tai bất thường trong điều kiện khí hậu có biến đổi lớn, điều kiện địa hình, địa mạo phía thượng lưu và khu vực cầu Ngòi Thia thay đổi mạnh mà không hoàn toàn kiểm soát được…” - kết luận Bộ GTVT nêu rõ.
Tám nạn nhân trong vụ sập cầu Ngòi Thia có một PV tử nạn. Ảnh: Inetrnet
Kết quả giám định cho thấy nguyên nhân sự cố là do ảnh hưởng của mưa lũ.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo Sở GTVT huy động tư vấn để đánh giá tổng thể chế độ thủy văn khu vực cầu Ngòi Thia, đưa ra giải pháp mang tính đồng bộ, tổng thể nhằm đảm bảo sự ổn định của công trình.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 11-10 đã xảy ra vụ sập cầu Ngòi Thia làm nhiều người bị lũ cuốn trôi, trong đó có nhà báo Đinh Hữu Dư, PV thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái, khi anh đang tác nghiệp trên cầu.