Khắc họa cái xấu, hướng tới cái đẹp

Đó là nội dung được đề cập đến tại tọa đàm về tranh biếm họa diễn ra hôm qua (5-8) ở Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội). Tọa đàm quy tụ gần 30 tác giả có tranh tham dự triển lãm và những người yêu thích tranh biếm họa.

Khắc họa cái xấu, hướng tới cái đẹp ảnh 1

Bức biếm họa Duyệt dự án của tác giả Phạm Quang Huynh

Đánh giá cao vai trò của biếm họa trong đời sống xã hội, họa sĩ Lý Trực Dũng trăn trở: Tranh biếm họa ngày nay không có vị thế cao như trong các năm trước đây. Ở thời kỳ đó, biếm họa thường xuyên được sử dụng như một thứ vũ khí sắc bén, có tác dụng tuyên truyền và tấn công mạnh mẽ.

Đồng quan điểm này, họa sĩ Hoàng Dự cho rằng tranh biếm họa không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn hàm chứa tiếng nói của họa sĩ: “Có những bức biếm họa có tiếng nói như một đại biểu Quốc hội vì nó đề cập đến những vấn đề bức xúc nhất mà cả xã hội đang quan tâm”. Ông bày tỏ lo ngại trước việc thế hệ họa sĩ kế cận vẽ tranh biếm họa ở nước ta chưa được bổ sung đúng như yêu cầu thực tế.

Đem đến tọa đàm một liên tưởng thú vị về họa sĩ vẽ biếm họa hiện nay, họa sĩ Nguyễn Quốc Hùng ví von người vẽ tranh biếm họa cũng giống như những người nông dân miền núi, cần mẫn gieo những hạt ngô vào các hốc đá rồi chờ đợi ngày hạt nảy mầm.

Chia sẻ với những trăn trở của các tác giả, ông Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thừa nhận vai trò quan trọng của tranh biếm họa trong đời sống văn nghệ cũng như đối với xã hội.

Mong muốn có thêm “đất” cho các họa sĩ sáng tạo, bà Đặng Thị Bích Ngân (Tổng Biên tập tạp chí Mỹ Thuật) cho biết sẽ dành ra một trang định kỳ trên tạp chí Mỹ Thuật để đăng tải các tác phẩm.

Tọa đàm là hoạt động cuối cùng kết thúc triển lãm tranh biếm họa diễn ra từ ngày 26-7, trưng bày 116 tác phẩm với nhiều chủ đề như chống tham nhũng, an toàn giao thông, môi trường, giáo dục… của nhiều họa sĩ.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm