Ít thí sinh chọn thi môn sử, vì đâu nên nỗi?

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết trường đã hoàn tất việc đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh. Kết quả thống kê cho thấy, không có học sinh nào của trường chọn môn lịch sử để thi tốt nghiệp.

Cụ thể, học sinh đăng ký môn thi vật lí cao nhất (chiếm hơn 50%), hóa học (hơn 30%), sau đó đến địa lí.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cũng cho biết, trong số 657 học sinh của trường, có 450 em đăng ký dự thi môn vật lý (chiếm 46%), 239 học sinh đăng ký môn hóa học chiếm (25%), 207 học sinh đăng ký môn địa lý (chiếm 21%), 52 học sinh đăng ký môn Sinh học (chiếm 5%) và môn lịch sử xếp cuối bảng với 27 học sinh (chiếm 3%).

Về vấn đề này, GS-TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng: “Với cách dạy lịch sử như hiện nay, học sinh không chán mới lạ. Học sinh chọn môn lịch sử ít vì không tạo ra hứng thú cho các em.” – GS Giang nói.

Theo GS Giang, trong trường học, giáo viên dạy quá nhiều nhận định có tính áp đặt, giáo viên đưa quá nhiều thông tin (từ nhân danh, địa danh, số lượng, ngày, tháng, năm… ) khiến học sinh “sợ hãi”, không thể nhớ nổi.

Theo ông Giang, trong giáo dục phổ thông, các môn xã hội rất quan trọng trong hình thành nhân cách, bản lĩnh, năng lực tư duy của con người. Bây giờ học sinh bỏ môn sử thì hệ quả thế nào, học sinh lớn lên không biết lịch sử dân tộc,công dân Việt Nam mù mờ về lịch sử đất nước.

Theo GS Giang, hãy dạy cho học sinh niềm đam mê bằng các phương pháp khác nhau, tiếp cận khác nhau rèn luyện tư duy cho học sinh. Thay vì câu hỏi về những sự kiện đóng đinh thì đưa nhiều câu hỏi mở để gợi mở cho học sinh.

“Chẳng hạn trong lịch sử Việt Nam, em yêu thích nhân vật nào nhất? Tại sao em yêu nhân vật đó. Em hãy trình bày hiểu biết của em về nhân vật lịch sử này? Như vậy, thí sinh phải vắt óc tìm hiểu, tiếp cận bằng các phương pháp khác nhau” – GS Giang đề nghị.

Ngoài ra, giáo viên nên gợi ý cho học sinh tiếp cận môn này theo hướng sáng tạo. Dẫu biết, lịch sử vẫn là thực thể khách quan, không thay đổi nhưng học sinh có nhiều hướng tiếp cận, đối chiếu sẽ thấy Lịch sử lý thú. Điều này không chỉ áp dụng với riêng môn lịch sử mà tất cả các môn khác cũng vậy. “Do đó, học sinh ít đăng ký môn lịch sử để thi tốt nghiệp THPT, nếu trách thì trách người dạy, đừng trách người học” – ông Giang thẳng thắn.

GS Giang đề nghị cơ quan Nhà nước phải nhận định môn lịch sử không chỉ là môn học thông thường mà là môn học bắt buộc. Học lịch sử dung dưỡng ý thức dân tộc. Do đó, mọi người phải đối xử với nó khác. Không phải đưa ra cho học sinh thích chọn thì chọn mà không chọn thì thôi.

“Tôi lo ngại sinh viên sẽ quay lưng với lịch sử dân tộc. Cách dạy khiến học sinh chán nản, một lúc nào đó trong ký ức của thế hệ trẻ về lịch sử Việt Nam sẽ rất mờ nhạt” – GS Giang lo ngại và đề xuất: “Tôi đề xuất để toán, văn, sử là môn thi bắt buộc chứ không nên bắt buộc thi tiếng Anh".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm