Nhiều trường đại học chính thức ‘xóa sổ’ chương trình chất lượng cao

(PLO)- Từ năm 2024 này, nhiều trường đại học đã không còn chương trình chất lượng cao, thay vào đó là những tên gọi khác và vẫn có mức thu học phí cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2024 này, nhiều cơ sở đào tạo ĐH chính thức dừng tuyển sinh các chương trình với tên gọi chất lượng cao.

Chương trình đào tạo chất lượng cao được Bộ GD&ĐT cho phép triển khai từ năm 2014 (Thông tư 23/2014). Tuy nhiên, cuối năm 2023, Bộ GD& ĐT đã bãi bỏ Thông tư này vì trong quy định của Luật Giáo dục ĐH 2018, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không còn tồn tại.

Thế nhưng thực tế hiện nay, khi không còn chương trình chất lượng cao, các cơ sở đào tạo đã chuyển đổi thành những tên gọi khác và học phí ở chương trình này luôn nằm trong tốp cao nhất ở các trường.

Mỗi trường mỗi kiểu đổi tên

Cụ thể như Trường ĐH Tài chính Marketing năm nay dự kiến tuyển 4.300 chỉ tiêu cho năm chương trình.

Học phí trường đang áp dụng ở mức cao nhất là chương trình tiếng Anh toàn phần với 60 triệu đồng/năm; chương trình tài năng và chương trình tích hợp 40 triệu đồng/năm học; chương trình chuẩn có học phí là 25 triệu đồng/năm học, chương trình đặc thù 30 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay cũng tuyển sinh cho ba chương trình.

Trong đó, trường chỉ có một ngành đào tạo theo chương trình tiên tiến là Khoa học máy tính với mức học phí cao nhất, lên đến 59,6 triệu đồng/năm, áp dụng cho năm học 2024-2025 tới. Các ngành ở chương trình tăng cường tiếng Anh có học phí từ 40,6 đến 51,8 triệu đồng/năm học. Còn chương trình đại trà có học phí thấp nhất, chỉ từ 24,7 triệu đồng/năm.

Hay như Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng chính thức “xóa sổ” chương trình chất lượng cao. Thay vào đó, năm nay trường tuyển sinh 3.799 chỉ tiêu với ba chương trình chính quy.

Trong đó ở chương trình chuẩn, học phí năm học 2024-2025 dự kiến từ 7,15 đến 14,52 triệu đồng/học kỳ. Còn chương trình chuẩn quốc tế, tăng cường tiếng Anh dự kiến 30 triệu đồng/học kỳ (tương đương 1.950.000/tín chỉ).

Tại ĐH Kinh tế TP.HCM năm này dự kiến tuyển hơn 8.500 chỉ tiêu, với các loại hình đào tạo gồm chương trình tiên tiến quốc tế, chương trình tiên tiến, kế toán tích hợp với chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, cử nhân tài năng ISB BBus, cử nhân ISB ASEAN Coop.

Theo trường, với từng loại hình đào tạo, sinh viên có thể lựa chọn học hoàn toàn bằng tiếng Anh, bán phần tiếng Anh và chương trình tiếng Việt. Trong đó, học phí tín chỉ tiếng Việt từ 975.000 đồng đến 1.065.000 đồng/tín chỉ. Học phí tín chỉ tiếng Anh bằng khoảng 1,4 lần tiếng Việt.

Còn tại Trường ĐH Luật TP.HCM hiện đang đào tạo ba chương trình, gồm đại trà, chương trình chất lượng cao và chất lượng cao dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong đó, hệ đại trà có học phí 31,25 đến 37,08 triệu đồng/năm học. Hai chương trình còn lại từ 60,5 đến 165 triệu đồng/năm học.

chương trình chất lượng cao học phí
Một buổi dạy và học tại ĐH Kinh tế TP.HCM. Ảnh: NTCC

Điều kiện học cao nên học phí cao

Ghi nhận ở các cơ sở đào tạo ĐH, học phí chương trình chất lượng cao luôn ở mức cao nhất (không tính chương trình liên kết quốc tế).

Lí do, theo quy định, chương trình được xây dựng và phát triển trên nền của chương trình đào tạo đại trà ở cơ sở đào tạo. Nhưng điểm khác biệt ở chương trình này là chuẩn đầu ra phải cao hơn chương trình đại trà về mọi mặt; giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh; Điều kiện học tập, thực hành, nghiên cứu… của sinh viên cũng được đầu tư tốt hơn.

Vì vậy, như hiện nay, các chương trình mới ở mỗi trường thực chất chỉ là “thay tên đổi họ”, còn chương trình học vẫn được triển khai trên nền tảng, điều kiện, tiêu chuẩn trước đó nên học phí vẫn ở mức cao.

Tại Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), hai chương trình mới của trường là “chương trình đào tạo tiếng Việt” và “chương trình đào tạo tiếng Anh” được cấu trúc lại từ chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo chất lượng cao.

Trong đó, ở chương trình tiếng Việt có sĩ số 60 sinh viên, chương trình tiếng Anh là 40 sinh viên nên học phí khác nhau. Cụ thể, ở chương trình tiếng Việt, học phí dự kiến năm học 2024-2025 là 13,75 triệu đồng/học kỳ, còn ở chương trình tiếng Anh, học phí dự kiến là 28,8 triệu đồng/học kỳ.

Với hai chương trình này, các em sẽ được học phòng học máy lạnh và trang thiết bị học hiện đại, phương pháp giảng dạy và học tập hiện đại;

Thời khóa biểu thiết kế linh hoạt, tạo sự chủ động cho sinh viên học vượt, học song ngành; sinh viên có cơ hội tham gia chuyển tiếp học các chương trình liên kết quốc tế, ... tại các trường đối tác ở các quốc gia: Anh, Pháp, Úc, Mỹ, Nhật, Hàn, Singapore,…

Còn tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện đang thực hiện cùng lúc nhiều chương trình. Trong đó, với chương trình tiêu chuẩn; tài năng; kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) học phí khoảng 15 triệu đồng/học kỳ.

Chương trình tiên tiến; chương trình dạy và học bằng tiếng Anh là 40 triệu đồng/học kỳ. Còn một số chương trình liên kết quốc tế sẽ có mức học phí đặc thù khác nên sẽ cao hơn.

Trao đổi với PLO, đại diện Trường ĐH Bách khoa cho biết mức học phí trường thu cao với chương trình tiên tiến; chương trình dạy và học bằng tiếng Anh nhưng thấp hơn so với chi phí đào tạo thực tế.

Bởi bên cạnh nguồn thu từ học phí, lợi thế của trường là được nhà nước hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm, có những mối cộng tác của trường, nguồn thu từ các dự án,… nên sinh viên có điều kiện học tốt hơn.

Cạnh đó, sinh viên được học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Một số môn học do giáo sư nước ngoài giảng dạy, SV có cơ hội đi trao đổi nước ngoài hàng năm, tham gia nhiều hoạt động tăng cường về nghiên cứu khoa học, điều kiện học hiện đại (như phòng ốc máy lạnh, 40-60 sinh viên/lớp…)

Không phải xóa bỏ “chương trình chất lượng cao”

Theo Bộ GD&ĐT, trong quy định của Luật Giáo dục ĐH 2018, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không còn tồn tại. Việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo ĐH của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các cơ sở giáo dục ĐH không còn hoặc không được triển khai các “chương trình chất lượng cao”.

Bộ GD&ĐT lưu ý: "Dù với tên gọi là gì thì các cơ sở giáo dục ĐH phải có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin, tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, các điều kiện dạy và học. Đồng thời cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra của các chương trình đào tạo, thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan cũng như toàn xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm