Tôi lại vừa nghe cái chiêu trò làm tiền xưa cũ. Cuối tuần, tôi nhận liên tiếp mấy cái email và điện thoại rầu rĩ cầu cứu, nhờ tư vấn của các bạn trẻ khởi nghiệp ĐBSCL. “Khốn khổ quá, họ thúc con từng giờ, nên dự không cô ơi, phải đóng nhiều tiền quá, con năn nỉ, từ 40 họ bớt còn 30 triệu, mà cũng nhiều quá cô. Lãnh cái bằng đó có được gì không, nhưng họ dọa con bằng đủ tên ban ngành, con muốn từ chối mà sợ họ ghét, họ trả thù…”.
Đây, cái “trát” đòi tiền đây (trích):
"... Chào mừng kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13-10-2004 – 13-10-2017 và hưởng ứng năm APEC 2017. Hiệp hội doanh nghiệp… và … phối hợp thực hiện triển khai chương trình “Doanh nghiệp, doanh nhân hội nhập kinh tế APEC 2017”. Đây là một sự kiện lớn cổ vũ khuyến khích và tôn vinh các đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp phát triển và xây dựng hình ảnh, thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ…
Thời gian: Tháng 9-2017 .
Nội dung và địa điểm:
1. Tiếp kiến nguyên thủ.
2. Chương trình Gala giao lưu “Doanh nghiệp, doanh nhân hội nhập kinh tế APEC 2017” . Trao tặng biểu tượng chữ “Tâm” cho Doanh nhân tiên phong đổi mới thời kỳ hội nhập 2017, chữ “Tín” cho Doanh nghiệp vì sự nghiệp phát triển bền vững thời hội nhập 2017.
(Kinh phí kêu gọi hỗ trợ truyền thông trong chương trình: 40.000.000 đồng)".
Thủ tướng vừa ra lệnh “giải cứu” doanh nghiệp khỏi nạn thanh, kiểm tra. Nhưng vẫn còn cái trò này, nó lộng hành ghê gớm. Nó phòng thủ cũng kỹ: Nó chỉ “tư vấn”, chỉ thu tiền “hỗ trợ truyền thông” chứ không làm tiền, trấn lột. Mấy năm trước, tôi đã nói về những chiêu trò này giữa Hội nghị toàn quốc Bộ Công Thương (lần này, không có tên Bộ Công Thương nhưng danh sách vẫn dài ngoằng rất đáng sợ: bộ X, bộ Y, ban A, B Quốc hội… với “quyền lợi” lớn trưng ra đầu tiên, nổi bật, là được tiếp kiến Chủ tịch nước. Sao không ai kiểm tra, xác thực tên các cơ quan bảo trợ và tổ chức này? Công thức trắng trợn mà cũ xì: Đóng tiền, tiếp kiến một vị lãnh đạo cao cấp, trực tiếp truyền hình và nhận một chứng nhận có Tâm, có Tài, có Tầm, có lăng nhăng thứ gì đấy.
Tôi đã gặp bao nhiêu lời kêu ca, phẫn nộ. Chị giáo viên sản xuất mặt nạ dừa Bến Tre nhờ cứu chị ấy vì bị kêu liên tục bắt phải lãnh giải nộp tiền. Một anh sản xuất tương hột ở Vĩnh Long hốt hoảng nhờ tôi cứu: "Họ kêu em ra Hà Nội để họ tôn vinh “Doanh nghiệp xuất sắc dẫn đầu”. Em bán tương, nghèo sặc máu mà dẫn đầu gì chị ơi, nộp tiền và tốn tiền ra Hà Nội cũng 50 triệu đồng, chết em chị ơi". Một cô đầu bếp vừa được giải nhì Chiếc thìa vàng là bị gửi trát liền: Nộp 30 triệu đồng lãnh danh hiệu “Doanh nghiệp tâm tài”. Một bạn trẻ vừa được báo khen công trình Ước mơ rau xanh đã bị gửi thư đòi tặng giải và nộp 20 triệu đồng. Một chị bán mì Quảng chợ Bà Hoa được mời “Tinh hoa tay nghề Việt”, sau khi năn nỉ quá được “thông cảm giảm giá” còn 15 triệu đồng nhưng phải “đặt cọc” 10 triệu đồng.
Bưởi da xanh của nông dân Thái Lan được Bộ Thương mại Thái Lan quảng bá tại Thaifex qua chương trình Chỉ Dẫn Địa Lý. Chẳng bao giờ thấy họ rủ doanh nghiệp đóng tiền để tiếp kiến lãnh đạo, lãnh mấy cái danh hiệu không ai hiểu là gì.
Doanh nghiệp Việt Nam “thiệt kép” so với doanh nghiệp ASEAN: hải chạy mua hư danh, mất tiền và quan trọng hơn là mất thời gian, mất cơ hội (tiền ít, đáng lẽ đầu tư nghiên cứu thị trường, làm sản phẩm mới, quảng bá tiếp thị…). Khó gì chuyện kiểm tra toàn bộ chiêu trò lừa đảo? Vậy sao mấy trò này cứ sống dai như Phạm Nhan, như đỉa? Thờ ơ, ngại đụng, bao che hay vô cảm để cho doanh nghiệp nhỏ, càng yếu thế càng bị ép đến khốn khổ, khốn nạn.
Tất cả chiêu trò khốn nạn này và bao chuyện đắng lòng khác chung quy cũng chỉ vì tiền, những đồng tiền ác độc, bất lương. Tiền tự nó không có gì xấu. Nhưng nếu để cho một mình nó thực sự thống lĩnh hết thì thật là… khốn khổ, khốn nạn!
Bao giờ những chiêu trò này mới chấm dứt để các doanh nghiệp nhỏ thôi khốn khổ?