Giá điện sẽ tăng vào thời điểm thích hợp

Phó Thủ tướng nhận định, tình hình biến động giá làm chuyển dịch cơ cấu sử dụng năng lượng, mức tiêu thụ điện tăng mạnh cả trong sinh hoạt lẫn sản xuất.

Với tư cách Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch điện VI, ông Hải chỉ đạo tích cực triển khai xây dựng các phương án, thực hiện điều chỉnh giá đúng thời điểm, không để tình trạng mất cân bằng giá kéo dài ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Những thông tin này được đưa ra tại cuộc họp khẩn tìm biện pháp tháo gỡ tình trạng căng thẳng điện trong mùa khô, diễn ra hôm qua 12/4.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, tình hình vận hành nguồn điện thực tế đang gặp nhiều khó khăn hơn so với dự báo. Từ nay đến cuối mùa khô (đầu tháng 6), tình hình cung ứng điện sẽ tiếp tục căng thẳng do mực nước về các hồ thủy điện đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, nếu không có những giải pháp tích cực, tình hình cung cứng điện sẽ đặc biệt gay gắt đối với khu vực miền Bắc.

Tại khu vực này, trong tháng 4, dự kiến trung bình mỗi ngày tiêu thụ gần 79 triệu kWh và trong tháng 5 là 83 triệu KWh. Về nguồn cung, vào tháng 4, các nhà máy miền Bắc chỉ có thể đáp ứng được trung bình 48 triệu kWh một ngày và trong tháng 5 là gần 56 triệu kWh. Do đó, mỗi ngày phải nhận từ phía Nam qua đường dây 500 kV khoảng 27-28 triệu kWh.

Trong khi đó, các dự án điện đang thi công rất chậm trễ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí, Than - Khoáng sản, Tổng công ty Sông Đà, Lilama, các nhà thầu EPC nước ngoài và các nhà thầu phụ trong nước... cần nhanh chóng khắc phục những yếu kém, thiếu tinh thần hợp tác trong quản lý, triển khai một số dự án thời gian qua. Đồng thời, ông cũng phê bình những nhà thầu nhận tràn lan dự án, dẫn đến tình trạng thiếu lực lượng thi công, chậm hoàn thành đưa vào vận hành các dự án.

"Sắp tới, sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp để chậm tiến độ dự án. Mục tiêu số 1 trong mùa khô vẫn là ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu điện, nhất là điện cho sản xuất và sinh hoạt thiết yếu. Trong lúc thời tiết nóng lên sắp tới, 10MW đưa vào vận hành cũng quý. Vì vậy, kể cả mua điện giá cao, sản xuất điện bằng dầu DO thì ngành điện cũng phải làm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hầu hết các dự án nằm trong Quy hoạch điện VI giai đoạn 2006-2010 đã được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, phần lớn có nguy cơ không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, chậm 3-5 tháng.

Kết quả kiểm tra của Đoàn công tác Chính phủ đối với các dự án dự kiến sẽ vận hành trong các năm 2008-2010 (34 dự án nhà máy điện với tổng công suất trên 7.000 MW) cho thấy, nhiều dự án bị chậm tiến độ.

Thủy điện Buôn Kuốp chậm 2 tháng, dự án tuabin khí hỗn hợp Nhơn Trạch 1 (450 MW) chậm tiến độ khoảng 3 tháng. Dự án Cà Mau II (750 MW) chậm tiến độ tới 8 tháng... Tính cả năm 2008, chậm tiến độ khoảng 1.100 MW so với kế hoạch là 2.900 MW. Trong khi đó, một số dự án nguồn điện năm 2009, 2010 cũng bộc lộ những khó khăn nhất định và sẽ chậm so với yêu cầu trong Quy hoạch điện VI nếu không có biện pháp tích cực hơn nữa của chủ đầu tư.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự chậm trễ trong công tác thiết kế, thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu, tình hình trượt giá nhiên vật liệu, lực lượng và phương tiện thi công của các tổng thầu, nhà thầu phụ bị phân tán do cùng lúc nhận nhiều công trình.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các nhà thầu phải tích cực khắc phục Dự án Uông Bí mở rộng 1, giám sát chặt chẽ và làm rõ trách nhiệm. Tập đoàn Dầu khí có biện pháp sớm hoàn thành việc nâng khả năng cung cấp khí của hệ thống đường ống Nam Côn Sơn, đảm bảo khí cho Nhà máy điện Cà Mau, đảm bảo tiến độ các công trình Nhơn Trạch 1 và Cà Mau 2 chậm nhất đến 1/5 phải vận hành.

Đối với các dự án sẽ đưa vào vận hành 2008-2009, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần tập trung cao độ để đảm bảo giữ được tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm như Cà Mau 2, Nhơn Trạch... Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình tiết kiệm điện một cách triệt để, có biện pháp kiểm soát chi phí cho điện năng, nhất là khu vực sử dụng ngân sách Nhà nước.

Theo VnExpress

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm