Niềm tin của doanh nghiệp đang suy giảm, cần ngay giải pháp hữu hiệu

(PLO)- 57,1% doanh nghiệp được hỏi cho biết khó khăn lớn nhất là tiếp cận tín dụng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay trong khảo sát doanh nghiệp thường niên của VCCI.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bên cạnh những chuyển biến tích cực về các tiêu chí trong cải cách môi trường đầu tư, chính sách pháp luật, báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay (9-5) còn cho thấy một "góc khuất" khác về sự suy giảm niềm tin của các địa phương lẫn doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh.

5 khó khăn lớn của doanh nghiệp

Trình bày về Báo cáo Chỉ số PCI 2023, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI - cho biết, năm khó khăn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh, là: tiếp cận vốn (57,1%), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh Covid-19 (25,5%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).

"57,1% doanh nghiệp được hỏi cho biết khó khăn lớn nhất họ gặp phải là tiếp cận tín dụng. Xét theo chuỗi thời gian, đây cũng là con số cao nhất từ trước đến nay trong khảo sát doanh nghiệp thường niên của VCCI", ông Tuấn nhấn mạnh.

doanh nghiệp
Năm vấn đề khó khăn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải là: tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, khó khăn từ tác động của dịch bệnh Covid-19 và tìm kiếm đối tác kinh doanh. Ảnh: Minh Trúc

Cụ thể, phân theo lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 60% doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đang gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, cao nhất trong các nhóm; kế đến là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, với con số 58%.

Khi phân theo khu vực thì có 61% doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam bộ và 59% doanh nghiệp ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long gặp khó khăn về tiếp cận tín dụng.

Còn phân theo định hướng thị trường, 57% doanh nghiệp định hướng thị trường nội địa và 52% doanh nghiệp định hướng xuất khẩu gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

Bên cạnh tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng vẫn là khó khăn thường trực của nhiều doanh nghiệp với 49% trong khảo sát 2023 và đứng thứ hai trong số 14 khó khăn cụ thể của doanh nghiệp.

Dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tìm kiếm khách hàng đã giảm dần từ năm 2021, cho thấy các doanh nghiệp đang thích nghi với các khó khăn và chủ động xoay sở tìm kiếm khách hàng.

Khó khăn lớn tiếp theo mà các doanh nghiệp phản ánh trong khảo sát 2023 là biến động thị trường, với 34,5% doanh nghiệp lựa chọn. Con số này đã tăng tới 10,7 điểm phần trăm so với kết quả khảo sát năm 2022. Đây là khó khăn có sự gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn cao nhất so với năm 2022.

Mức độ lạc quan suy giảm

Đáng lưu ý, trong phần phát biểu của mình ông Đậu Anh Tuấn cho biết, khi doanh nghiệp được khảo sát về kế hoạch kinh doanh trong hai năm tới, sự lạc quan của doanh nghiệp ở mức thấp so với những năm trước.

Cụ thể, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022.

“Con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Dữ liệu khảo sát còn cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp trong khảo sát 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch Covid-19.

Cùng với đó, các doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì mức độ lạc quan càng suy giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp phía Bắc lại có sự lạc quan hơn các doanh nghiệp phía Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho biết, những biến động chính sách, pháp luật là khó khăn cần phải lưu ý. Đầu tiên, con số khảo sát của năm 2023 đã tăng so với năm 2022 (9,5%), làm gián đoạn xu hướng giảm của chỉ tiêu này trong các năm 2018-2022.

Kế đến, chỉ tiêu này đã tăng khoảng 5,1 điểm phần trăm so với năm trước đó, đây là mức tăng lớn thứ 2 trong số các nội dung khảo sát trong năm 2023. Dấu hiệu này có thể là hệ quả của những biến động chính sách trong điều hành thị trường xăng dầu, điện, trái phiếu trong năm vừa qua.

“Thực tế là niềm tin doanh nghiệp đang suy giảm, nhiều địa phương khi được khảo sát đã cho chúng tôi biết rằng địa phương mình không còn dám đổi mới, đi đầu. Do đó, những giải pháp hữu hiệu để vực lại niềm tin của chính quyền, của các địa phương là điều cần thiết phải làm ngay lúc này”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Còn theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện theo thời gian. Nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng chú ý, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng tốt “lợi thế của người đi sau” khi tích cực học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn.

Tuy nhiên, ông Phạm Tấn Công cũng thẳng thắn chỉ ra rằng báo cáo PCI và PGI 2023 cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng có một số điểm cần quan tâm.

“Từ phản ánh của doanh nghiệp có thể thấy trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng; môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại”, Chủ tịch VCCI nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm