Mới đây, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán kinh doanh vàng.
Các chuyên gia đánh giá đề xuất bắt buộc giao dịch mua bán vàng qua tài khoản ngân hàng sẽ bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng cũng như tránh thất thu thuế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu đề xuất này áp dụng thì nên tùy theo khu vực và không nên cứng nhắc.
Giao dịch vàng qua ngân hàng: Bảo đảm an toàn!
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho rằng đề xuất trên Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) hợp lý, vừa tránh thất thu thuế vừa bảo vệ quyền lợi người bán và người mua vàng.
Theo ông Dũng, vàng là hàng hoá đặc biệt, giao dịch kinh doanh vàng như giao dịch tiền tệ nên việc quy định mua bán vàng bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt là cần thiết. Như hóa đơn điện tử đã được triển khai từ ngày 1-7-2022 trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hoá đơn điện tử.
Riêng tại TP.HCM, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố đều xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng. Bên cạnh đó, 100% các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố đều thực hiện xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay hầu hết người dân ở thành thị hay nông thôn đều có tài khoản ngân hàng, sử dụng điện thoại thông minh nên việc thanh toán chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng không gặp vướng mắc. Do đó, đề xuất bắt buộc thanh toán không tiền mặt khi khi mua bán vàng là hoàn toàn có triển khai hiệu quả.
“Khi đó, cơ quan thuế sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, tránh thất thu ngân sách. Thứ hai, người dân khi giao dịch mua bán vàng cũng an tâm hơn, bảo đảm hơn”- ông Dũng nhận định.
Nên quy định thanh toán chuyển khoản ở đô thị
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp lý Doanh nghiệp vừa và nhỏ (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM) cho biết, Thông tư 96/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đã có quy định cụ thể: Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Căn cứ theo các quy định trên, nếu doanh nghiệp có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt qua các phương thức thanh toán như bù trừ, ủy quyền bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng thì cũng được đưa vào chi phí được trừ.
Như vậy, hiện các doanh nghiệp kinh doanh vàng khi giao dịch trên 20 triệu đồng mỗi lần đều phải thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng thì mới được khấu trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
"Đề xuất bắt buộc giao dịch mua bán kinh doanh vàng không dùng tiền mặt hoàn toàn có thể triển khai dễ dàng nhất là ở các đô thị lớn. Giờ bà bán hủ tíu gõ, bán vỉa hè cũng nhận thanh toán chuyển khoản, việc thanh toán không tiền mặt gần như khá phổ biến. Do đó, việc giao dịch vàng nửa chỉ, vài phân vàng thì giá trị cũng khá cao, thanh toán chuyển khoản ngân hàng là hợp lý"- ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng cũng không nên bắt buộc cứng nhắc mà phải tính toán theo khu vực. Ví dụ như ở vùng sâu, vùng xa vẫn có nhiều người dân họ không có tài khoản ngân hàng, không có điện thoại thông minh thì quy định bắt buộc là không phù hợp.