Trong những tháng gần đây trên thị trường vàng Hà Nội, có một xu thế diễn ra khá phổ biến là người dân chuộng các loại vàng nhẫn hơn so với vàng miếng. Trong nhiều trường hợp người tiêu dùng chỉ mua vàng miếng khi cửa hàng không còn vàng nhẫn.
Trong những ngày 8,9 và 10-5, tại nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý ở Hà Nội đã xảy ra tình trạng hết vàng nhẫn.
Yếu tố túi tiền và bài toán rủi ro
Lý do thì có nhiều, nhưng trước tiên, vàng nhẫn được cung cấp ra thị trường với nhiều loại sản phẩm khác nhau, phù hợp với túi tiền của người dân, đặc biệt những người làm công việc văn phòng, người lao động tự do với nguồn tiền hạn chế. Đây là thế mạnh của vàng nhẫn trong lúc vàng giá cao chót vót như những ngày này.
Anh Nguyễn Hoàng Anh, một người kinh doanh tự do sống gần phố Trần Nhân Tông, cho biết anh thường lựa chọn mua vàng nhẫn bởi có nhiều loại từ 1-10 chỉ phù hợp với nhu cầu tích lũy dần dần. Anh có thói quen mua vàng thường xuyên theo tháng, có nhiều mua nhiều, có ít mua ít, có những khi mua 5,7 chỉ nhưng cũng có khi chỉ mua 1 chỉ.
Một lý do khác là giá vàng nhẫn bám sát diễn biến của giá vàng thế giới hơn so với vàng miếng. Như sáng nay, 11-5, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng đang mua vào - bán ra ở mức 75,95 – 77,45 triệu đồng/lượng, chênh chỉ khoảng 4 triệu đồng so với giá vàng thế giới phiên giao dịch gần nhất, quy đổi khoảng 73,54 triệu đồng/lượng. Còn nếu lấy vàng miếng SJC để so sánh thì chênh lệch tới gần 20 triệu đồng.
Khía cạnh thị trường, cung cầu mà nói, sản phẩm nào mà sát với mặt bằng giá thị trường thì thật hơn, giá đỡ ảo hơn so với cùng loại nhưng chênh lệch lại quá lớn. Ít ảo hơn thì hẳn là ít rủi ro hơn, là điều phải tính đến ở lúc vàng giá cao này.
Thận trọng với các tuyên bố cứng rắn của Nhà nước
Một lý do khác là chênh lệch giá mua – giá bán của vàng miếng cao hơn nhiều so với vàng nhẫn. Trong nhiều tháng trở lại đây, chênh lệch giá vàng miếng SJC thường trên mức 2,2 triệu đồng/lượng, đã có thời điểm đến gần 2,4 triệu đồng. Còn vàng nhẫn chỉ loanh quanh ở mức khoảng 1,5 triệu đồng/lượng. Người muốn mua đầu tư kinh doanh vì vậy đương đầu với ít rủi ro hơn.
Đáng chú ý, trong thực tế, giữ vàng nhẫn có lãi hơn so với giữ vàng miếng. Đầu năm ngoái, nếu bạn giữ mua một chiếc nhẫn vàng nho nhỏ và đầu năm nay bán đi thì lãi quy đổi là gần 10 triệu đồng/lượng, trong khi vàng miếng SJC chỉ lãi 7 triệu đồng/lượng.
Tất nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Đầu năm 2024, giá vàng nhẫn ở mức khoảng 63,28 triệu đồng/lượng, đến giờ là khoảng 77,4 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 22%. Trong cùng thời gian này, giá vàng miếng SJC tăng cao hơn một chút.
Và cuối cùng, theo chuyên gia Nguyễn Thế Hùng thuộc Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, người dân có thể lo ngại Ngân hàng Nhà nước can thiệp mạnh vào thị trường vàng miếng bằng cách tung ra một lượng hàng lớn, giá thấp, nên quay sang vàng nhẫn. Chính phủ cũng như nhà điều hành gần đây có những tuyên bố cứng rắn với các vấn đề bất cập của thị trường vàng, trong đó có chuyện buôn lậu, cho thấy lo ngại ấy là có cơ sở.
Tuy nhiên trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động khó lường với các yếu tố địa chính trị như hiện nay, các chuyên gia đồng loạt khuyến cáo người dân đặc biệt cẩn trọng với các quyết định mua - bán vàng, tránh tình trạng ôm hàng giá cao và thua lỗ sau này.