Giá vàng bị đẩy lên 46,3 triệu đồng

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC sáng nay tăng giá từng giờ.

Ngay từ sáng sớm, giá niêm yết là 44,5-45 triệu đồng một lượng (mua vào - bán ra), tăng mạnh so với mốc chốt hơn 44 triệu đồng cuối chiều qua. Nhưng ít phút sau, theo diễn biến thế giới, giá của công ty đã nâng lên 44,7-45,3 triệu đồng một lượng tại TP HCM.

Giá vàng bị đẩy lên 46,3 triệu đồng ảnh 1

Giá vàng dự kiến sẽ tiếp tục nóng trong ngày hôm nay. Ảnh: Hoàng Hà

Đến 8h58, giá vàng SJC tại TP HCM đã là 44,8-45,4 triệu đồng. Tại Hà Nội, giá bán là 45,2 triệu đồng một lượng.

Đến 9h22, công ty báo giá 44,9-45,5 triệu đồng một lượng tại TP HCM, tại Hà Nội giá bán là 45,52. Nhưng tại các tỉnh Cà Mau, Buôn Mê Thuột giá lên 45,6 triệu đồng một lượng.

Đến 10h, kỷ lục mới của SJC là 45,7 triệu đồng được thiết lập tại Buôn Mê Thuột và Cà Mau trong khi giá tại TP HCM và Hà Nội lần lượt là 45,6 và 45,62 triệu đồng một lượng.

15 phút sau, giá SJC tăng thêm 100.000 đồng một lượng tại tất cả các tỉnh thành, lên mức cao nhất là 45,8 triệu đồng một lượng.

Và đến 11h45, giá tại Buôn Mê Thuột đã là 46,3 triệu đồng. Trong khi tại TP TPHCM giá vàng bán ra cũng chạm 46,2 triệu đồng.

Như vậy chỉ trong vòng một buổi sáng, giá vàng SJC đã đắt thêm hơn 1 triệu đồng mỗi lượng.

Công ty Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) cũng không chịu kém trong cuộc đua cập nhật bảng điện tử. Giá SJC tại đơn vị này lúc 10h20 là 45,75 - 46,15 triệu đồng một lượng.

Tập đoàn DOJI niêm yết giá bán lẻ Vàng miếng SJC tại khu vực Hà Nội sáng nay là 45,3 - 46,1 triệu đồng một lượng. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, tại khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tổng lượng giao dịch của DOJI đạt khoảng 2.500 lượng, trong đó chiếm 80% là khách hàng lẻ đi mua.

Theo ghi nhận của PV lúc 10h tại Hà Nội khu vực Trần Nhân Tông, nơi tập trung nhiều trung tâm giao dịch vàng, nhà đầu tư vẫn xếp hàng dài trước các cửa hàng để chờ đến lượt mua. Các cửa hàng đều báo hết sạch vàng. Toàn bộ con phố Trần Nhân Tông tắc nghẽn. Tại TP HCM, người dân cũng như các nhà đầu tư lớn đã bắt đầu xao động và đổ đến các doanh nghiệp vàng lớn như PNJ, SJC, SBJ để mua vào. Người ít cũng 1 lượng, người nhiều lên đến hàng trăm lượng.

Nguồn tin từ một công ty vàng bạc quy mô lớn cho biết dù các cửa hàng niêm yết cao, nhà đầu tư có thể mua thấp hơn khoảng vài trăm nghìn đồng một lượng.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận khuyến cáo bà con không nên vội vã mua vàng khi giá trong nước cao quá 200.000 đồng mỗi lượng so với thế giới.

"Ồ ạt mua lúc này khiến nguồn cung căng thẳng thêm, mà bà con lại phải mua vàng với giá quá đắt so với giá trị thật", bà Cúc nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giá vàng trong nước tăng đột biến và có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới quy đổi, chủ yếu do diễn biến tăng mạnh của giá vàng thế giới. Ngoài ra, lợi dụng tình hình này, giới đầu cơ trên thị trường vàng trong nước cũng tiến hành đầu cơ, làm giá để trục lợi, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân mặc dù lượng vàng nắm giữ trong dân vẫn ở mức cao.

Từ đầu tháng 7 đến nay, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, và đã lên mức kỷ lục 1.769 USD vào sáng nay. Nếu quy đổi ra tiền Việt, giá vàng hiện vào khoảng 43,5 triệu đồng một lượng chưa bao gồm phí vận chuyển, gia công.

Nguyên nhân vàng thế giới tăng cao là lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và Châu Âu. Đặc biệt là việc Standard & Poor’s (S&P) hạ mức xếp hạng tín nhiệm nợ công của Mỹ đã khiến nhà đầu tư toàn cầu hoảng loạn tháo chạy khỏi các hàng hóa khác và đổ xô gom vàng.

Cùng với vàng, một số kim loại khác cũng tăng giá trong phiên giao dịch đầu tuần. Hợp đồng bạc giao tháng 9 tăng 1,17 USD một ounce (3,1%) lên 39,38 USD mỗi ounce. Giá bạch kim giao tháng 10 tăng 4,5 USD lên 1.723,60 USD mỗi ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9 trên sàn NYMEX lại tiếp tục rớt mạnh 5,57 USD một thùng xuống 81,31 USD.

Theo VNE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm