Livestream bán hàng Việt sang Trung Quốc là ý tưởng hay, nhưng...

(PLO)- Đặc sản địa phương sẽ thắng lớn nếu biết kể câu chuyện cho chúng và trao quyền cho người nông dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ đầu năm tới nay, các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) như TikTok Shop, Shopee đang đẩy mạnh hoạt động livestream bán đặc sản, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), vào mỗi tuần hoặc mỗi tháng.

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), Phó Trưởng khoa Hệ thống thông tin kinh tế và TMĐT Trường ĐH Thương mại, đánh giá cao các hoạt động thúc đẩy đặc sản, nông sản địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Minh cần thêm nhiều trợ lực để ngành hàng này có thể tự thân phát triển, mà không phụ thuộc vào các KOL, KOC như hiện nay.

Đặc sản sẽ thắng lớn

.Phóng viên: Gần đây đặc sản, nông sản địa phương, sản phẩm OCOP lại tiếp tục những tin vui đến từ các phiên livestream được tổ chức bởi các nền tảng TMĐT, ông đánh giá sao về vấn đề này?

+Th.S Nguyễn Bình Minh: Livestream vốn là thế mạnh của TMĐT của những nước có dân số trẻ, trong đó có Việt Nam. Các nền tảng TMĐT hiện nay triển khai việc bán hàng nông sản qua livestream là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, tích cực.

dac-san-dia-phuong-1.png
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành VECOM

Thực tế, trong năm 2023, báo cáo từ TikTok Shop cho thấy, qua 800 phiên livestream gắn logo Chợ phiên OCOP đã thu về cho ngành hàng này 100 tỉ đồng, chỉ trong 6 tháng.

Rõ ràng, livestream bán nông sản, đặc sản địa phương đang mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc chúng ta chỉ trưng bày sản phẩm, dù còn nhiều thách thức ở phía trước.

. Những thách thức ở đây là gì thưa ông?

+ Đưa OCOP bán online không phải là mới. Tuy nhiên, đối với một số địa phương còn thiếu kinh nghiệm trong vấn đề quảng bá các đặc sản của mình để đưa lên sàn và bán trong phạm vi cả nước.

Ngoài ra, quy mô sản lượng các sản phẩm đặc sản thường không lớn, lo ngại tới vấn đề khi bán rộng rãi lại không đủ hàng, hoặc chưa có kế hoạch quảng bá sản phẩm, khiến độ tiếp cận không cao.

Chưa kể, vấn đề bảo quản còn khó, nhất là hàng tươi sống, khâu vận chuyển cũng gặp rất nhiều trở ngại. Ví dụ như đối với hoa quả đóng hộp, có thể tới tay người tiêu dùng sẽ móp méo, gây mất thiện cảm.

Do đó theo tôi nếu có sự tham gia của các đơn vị vận tải lớn, và có cam kết đối với sự ưu tiên đối với ngành hàng nông sản thì sẽ còn nhiều phát triển.

Trong nhiều năm nay, các tổ chức ban ngành, địa phương vẫn liên tục hoàn thiện các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP trong suốt thời gian vừa qua.

Phải công nhận rằng mức độ tăng trưởng sản phẩm OCOP là có. Sự góp mặt của các chương trình bán hàng OCOP đến từ các bà đỡ TikTok Shop, Shopee… cũng đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng này.

Về lâu dài, OCOP sẽ cần mở rộng thêm nữa về quy mô tiếp cận thị trường cũng như mở rộng vùng trồng tương ứng với việc sản phẩm có thể tiêu thụ với số lượng lớn trên internet.

Tìm câu chuyện cho đặc sản

. Ông có gợi ý hay đề xuất gì cho OCOP hiện nay để mở rộng quy mô cho ngành hàng OCOP?

+Phương thức livestream mà sàn TMĐT đang thực hiện hàng tuần, hàng tháng là rất hay và cần thiết.

Dù vậy, hiện nay việc bán livestreams vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các KOL, KOC, khiến chi phí bỏ ra cho các kênh này với các HTX, nông dân cũng nhiều hạn chế.

Về đường dài cần thêm nhiều các phương án hỗ trợ để nông dân, hợp tác xã-những người am hiểu sản phẩm nhất, để họ có thể bắt tay vào tự thực hiện xây dựng hình ảnh thương hiệu, các cách thức bán hàng online, biểu hiện trước màn hình thế nào, tương tác với người mua ra sao…

Để thực hiện điều này, các địa phương cần tích cực phối hợp cùng Hiệp hội, cơ quan chức năng, sàn TMĐT để đẩy mạnh hoạt động đào tạo cho người cung cấp nông sản. Bản thân VECOM cũng có nhiều chương trình để xây dựng mạng lưới livestremer (người livestream) cho lĩnh vực nông sản và OCOP.

Bên cạnh đó, theo tôi cần đẩy mạnh các hoạt động livestream tại vườn, nơi chế biến để thu hút người mua. Khi livestream phải nghĩ cách làm sao để kể câu chuyện sản phẩm của mình được hay hơn, hấp dẫn hơn, trong bối cảnh nhà nhà bán hàng livestream.

Chúng ta cũng nên tận dụng kênh TMĐT xuyên biên giới để livestream bán đặc sản cho các nước láng giềng, chẳng hạn như Trung Quốc.

Đây cũng là điều cần thiết để các đặc sản địa phương được “đậm vị” hơn trong thị trường shopping livestream đang mạnh mẽ như hiện nay.

. Livestream bán nông sản cho Trung Quốc là ý tưởng hay, nhưng để thành công cần chuẩn bị điều gì, thưa ông?

Nông sản Việt Nam vốn được ưa chuộng tại thị trường tỉ dân Trung Quốc, trước đây tôi có đọc một thông tin về việc các sản phẩm sầu riêng, xoài sấy, hoa quả sấy của Việt Nam đang được người Trung Quốc ưa chuộng.

Nếu có cơ hội chúng ta hãy thử, việc bán hàng qua TMĐT với hình thức livestream là có khả năng thực hiện, nếu các đơn vị phối hợp thực hiện.

Dù vậy, muốn bán ngược lại cho Trung Quốc thì công tác hậu cần của chúng ta sang Trung Quốc phải đạt được các yêu cầu về nhập khẩu.

Việc livestream thì dễ nhưng sau khi livestream vấn đề giao nhận sẽ thế nào, trong khi còn có các thủ tục về hải quan. Trừ khi xuất hàng sang biên giới rồi, chúng ta sử dụng đội ngũ livestream, có thể là người bản địa của Trung Quốc, hay người ở khu vực biên giới để phục vụ bán hàng.

Điều này có nghĩa là hàng phải có sẵn ở nước bạn, thì các sản phẩm mới thâm nhập dễ được. Nếu như livestream xong, khi có đơn mới làm các thủ tục hải quan thì cơ hội thắng không cao, nhất là lô hàng nhỏ thì không thể nhanh được.

Livestream bán nông sản cho Trung Quốc

TikTok Việt Nam đang phối hợp Cục TMĐT - Kinh tế số của Bộ Công Thương và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ NN-PTNT để tổ chức các buổi livestream bán nông sản Việt Nam tại Trung Quốc và các nước ASEAN vào ngày 8-8 tới hoặc có thể sớm hơn đối với mặt hàng sầu riêng.

Hiện chúng tôi đã bàn với TikTok tại một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Indonesia… để được hỗ trợ về chính sách livestream bán nông sản Việt bởi các nhà sáng tạo nội dung địa phương.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm