MỘT CÔNG TY TRUNG QUỐC MUA CP VIỆT NAM- BÀI 1:

Giành quyền kiểm soát

Sự kiện một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu của Trung Quốc tuyên bố sẽ giành quyền kiểm soát phần lớn cổ phần của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (gọi tắt CP Việt Nam) đang tạo sự chú ý, quan tâm của các doanh nghiệp (DN).

Mua hơn 70% cổ phần

Công ty sẽ giành quyền kiểm soát CP Việt Nam có tên C.P Pokphand (CPP), có trụ sở chính đóng tại Hong Kong. CPP sẽ bỏ ra 609 triệu USD (hơn 12.000 tỉ đồng) để giành quyền chi phối 70,82% cổ phần của CP Việt Nam. Đây được xem là một trong những thương vụ M&A (mua lại, sát nhập) vào hàng lớn nhất tại Việt Nam.

Trong thư gửi các cổ đông vào ngày 21-6-2011, ban giám đốc CPP cho biết ý định mua lại CP Việt Nam có từ đầu năm 2011. Theo đó, CPP sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn và mua lại tổ chức Modern State - một công ty con của Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group, có trụ sở chính tại Thái Lan) hiện đang nắm giữ 70,82% cổ phần CP Việt Nam.

Sau khi sát nhập, Modern State sẽ trở thành công ty con của CPP và CPP đương nhiên gián tiếp sở hữu CP Việt Nam. Báo cáo tài chính của Modern State và CP Việt Nam sẽ trở thành báo cáo tài chính hợp nhất của CPP. Số cổ phần 29,18% còn lại của CP Việt Nam vẫn thuộc sở hữu CP Group.

Sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng, CPP sẽ chính thức nắm quyền kiểm soát công ty sản xuất thức ăn gia súc và thủy sản hàng đầu Việt Nam và cũng là DN phát triển nhanh nhất thị trường nông nghiệp Đông Nam Á.

Giành quyền kiểm soát ảnh 1

CP Việt Nam là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm thị phần lớn nhất trong ngành chăn nuôi. Ảnh: NGUYỄN LỘC

Giành quyền kiểm soát ảnh 2

Dù ít hơn về số lượng nhưng DN nước ngoài luôn chiếm áp đảo thị phần thức ăn chăn nuôi. (Nguồn: Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam)

Tham vọng chi phối thị trường

Theo tính toán, việc mua lại CP Việt Nam sẽ hỗ trợ cho hàng chục nhà máy chế biến của CPP đóng ở Trung Quốc, đặc biệt góp phần cung cấp nguyên liệu thô đang được DN Trung Quốc thu gom rầm rộ tại Việt Nam trong thời gian qua.

Nhận định về thương vụ này trên báo chí nước ngoài, ông Dhanin Chearavanont, Chủ tịch CPP, khẳng định: “Cuộc thâu tóm chiến lược này sẽ giúp CPP vào vị trí dẫn đầu trong thị trường thức ăn gia súc và nông nghiệp của Việt Nam”.

Ông Dhanin Chearavanont cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của CP Việt Nam sẽ đưa CPP đến gần hơn nữa với mục tiêu trở thành DN hàng đầu châu Á trong thị trường nông sản thực phẩm.

CPP là ai?

CPP và CP Việt Nam đều là thành viên của CP Group - một tập đoàn lương thực, thực phẩm hàng đầu Thái Lan, có giá trị hơn 5,5 tỉ USD với 250 công ty thành viên ở 20 nước.

CPP được thành lập ở Trung Quốc từ những năm 1970. Năm 2010, tổng doanh thu của CPP đạt hơn 1,9 tỉ USD, lợi nhuận đạt hơn 132 triệu USD. Công ty đang sở hữu 78 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và hơn 26.000 đại lý phân phối ở Trung Quốc.

CP Việt Nam được thành lập ở Việt Nam năm 1993 với hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài.Công ty hiện chiếm gần 20% thị phần thức ăn chăn nuôi, 77% thị phần chăn nuôi heo công nghiệp và 30% thị phần chăn nuôi gà thịt ở khu vực phía Nam. Năm 2010, doanh thu của công ty đạt hơn 1 tỉ USD và lợi nhuận 50,3 triệu USD.

Nộp hàng chục triệu USD cho công ty mẹ

Theo thỏa thuận, sau khi thuộc về CPP, mỗi năm CP Việt Nam phải nộp 1,5% tổng số doanh thu, gọi là phí chuyển giao công nghệ cho CP Group. CP Việt Nam cũng phải nộp 1,5% tổng số doanh thu, gọi là phí dịch vụ tư vấn tài chính, kiểm toán nội bộ, quản lý nhân sự… cho Modern State. Dự tính tổng số tiền mà CP Việt Nam phải nộp thứ tự hằng năm là 44 triệu USD (năm 2011), 62 triệu USD (2012) và 65,4 triệu USD (2013).

Thiên đường về thuế

Modern State là công ty con của CP Group nhưng có trụ sở tại British Virgin Islands, là lãnh thổ hải ngoại của Anh, gồm 15 đảo trong quần đảo Virgin ở vùng biển Caribbean, gần Cuba. Đây là vùng lãnh thổ đứng thứ sáu về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (sau Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Singapore, Nhật, Malaysia) với gần 15 tỉ USD cho khoảng 500 dự án.

Tại British Virgin Islands, DN thành lập chỉ để đầu tư ra nước ngoài (chứ không kinh doanh tại quần đảo) và hưởng ưu đãi như không phải lập sổ sách, không phải nộp sổ sách, báo cáo tài chính cho cơ quan quản lý. DN không phải nộp thuế thu nhập, thuế chuyển nhượng… mà chỉ phải đóng thuế môn bài hằng năm (khoảng 350 USD). Do đó, vùng lãnh thổ này được DN xem là “thiên đường về thuế”.

Q.NHƯ tổng hợp

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm