CÔNG TY TRUNG QUỐC MUA CP VIỆT NAM - BÀI 2:

Nguy cơ thị trường chăn nuôi bị thâu tóm

Sự kiện công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc là C.P Pokphand (CPP) đang thương thảo để giành quyền kiểm soát Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (gọi tắt CP Việt Nam) tạo sự quan tâm của cơ quan quản lý, DN. Điều đáng nói là trong khi các DN chăn nuôi Việt Nam lo ngại về nguy cơ thị trường chăn nuôi bị thâu tóm sau thương vụ này thì các nhà quản lý lại cho rằng không nên quá lo lắng.

Cơ quan quản lý: Không nên quá lo lắng!

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT):

Khó chi phối thị trường

Đại diện CP Việt Nam trả lời thương vụ này sẽ không ảnh hưởng gì mà chỉ là hợp thức hóa xuất-nhập khẩu thịt heo từ Việt Nam qua Trung Quốc hoặc ngược lại. Trước tới nay, Việt Nam xuất khẩu nhiều thịt heo qua Trung Quốc nhưng qua đường tiểu ngạch.

Hiện CP Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3%-5% thị trường thịt heo nên khó chi phối thị trường. Chúng tôi cũng muốn CP phát triển mạnh lên để DN trong nước học hỏi kinh nghiệm. Thực tế, phần lớn chủ của DN thức ăn chăn nuôi trong nước đều từng làm thuê cho Proconco, Cargill, CP... Do đó, nếu các công ty nước ngoài làm đúng luật thì nên khuyến khích để thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Còn chất lượng hàng nông sản, heo, gà... từ Trung Quốc đưa sang đều phải qua hệ thống kiểm dịch Việt Nam.

Nguy cơ thị trường chăn nuôi bị thâu tóm ảnh 1

Phần lớn thị trường chăn nuôi heo, gà đang bị công ty nước ngoài chi phối. Ảnh: Q.TRUNG

Ông Vũ Bá Phú, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương):

Không bị điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh

Đây là giao dịch mua bán, sát nhập ngoài lãnh thổ Việt Nam nên Luật Cạnh tranh không điều chỉnh được.Năm 2009-2010, Cục Quản lý cạnh tranh khảo sát mức độ cạnh tranh 10 lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và thu được số liệu của nhiều DN, trong đó có CP Việt Nam. Hiện CP Việt Nam chiếm khoảng 8% thị phần thức ăn chăn nuôi và mức này không có khả năng thao túng thị trường.

Theo Luật Cạnh tranh, việc mua bán, sát nhập… DN chiếm thị phần trên 50% của thị trường thì bị cấm. Nếu từ 30% đến 50% thì DN phải báo cho Cục, dưới 30% không phải báo.

Người trong nghề: Cần tính toán tác động

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN:

Phải nghiên cứu kỹ

Vì có nhiều điểm quá mới mẻ nên tôi chưa rõ đằng sau việc mua bán này là gì. Dù Trung Quốc mở cửa đầu tư nhưng để nhà đầu tư thành công tại đất nước này là điều không dễ dàng. Cho nên mới có việc CP Group rất thành công tại Việt Nam nhưng gặp khó khăn ở Trung Quốc. Còn chính sách đầu tư của Việt Nam quá nới lỏng và thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thành công, từ đó khiến DN nhỏ và vừa trong nước gặp khó. Việc thâu tóm một công ty chăn nuôi lớn nhất Việt Nam rất đáng để nhà nước nghiên cứu, có chính sách phù hợp.

Nguy cơ thị trường chăn nuôi bị thâu tóm ảnh 2

Ông Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam:

Thị trường chắc chắn bị tác động

Thương vụ mua bán sẽ có tác động tới thị trường chăn nuôi. Bởi trước khi CPP nhảy vào, bản thân CP Việt Nam đã thao túng thị trường chăn nuôi heo, gà của mình rồi. Hiện Trung Quốc chưa tác động lớn đến nền kinh tế VN. Tuy nhiên, chủ trương của Trung Quốc sẽ mua lại những tập đoàn lớn trên thế giới để dần khống chế nền kinh tế nước đó.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chắc chắn có chiến lược vừa thu hút hiệu quả vốn nước ngoài và đảm bảo kinh tế trong nước phát triển, không bị chi phối. Tuy nhiên, nhân sự kiện này, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, tính toán và báo động để tránh nền kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài. Thực sự sau khi nghe tin, dân trong nghề như chúng tôi rất lo lắng.

Ông Nguyễn Trí Công, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Công Trí (Đồng Nai):

Chưa có biện pháp phòng tránh

Vụ mua bán này sẽ tác động nhiều mặt tới thị trường chăn nuôi trong nước. Nếu khan hàng, Trung Quốc sẽ thông qua CP nhập khẩu heo, còn nếu ứ hàng sẽ đẩy sang Việt Nam. Trường hợp nào thì Việt Nam cũng thiệt.

Trước đây, tôi từng cảnh báo nếu không có biện pháp, vài ba năm nữa, các tập đoàn chăn nuôi nước ngoài, trong đó có CP sẽ chi phối thị trường heo như từng làm với gà.

Vẫn đang thương thuyết

Ngày 27-7, ông Trần Văn Hạc, Giám đốc kinh doanh CP Việt Nam, cho biết hiện ông SookSunt Jiumjaiswanglerg, Tổng Giám đốc CP Việt Nam, đang có mặt ở Hong Kong để thương thuyết với CPP về vụ mua bán trên. Thương vụ nhằm giúp CPP lên sàn chứng khoán Hong Kong.

Theo ông Hạc, đến nay các bên đang thương lượng, đàm phán các điều kiện của vụ mua bán. Do đó thông tin CPP đã mua CP Việt Nam như có báo đưa là không chính xác. Sau khi có kết quả chính thức, CP Việt Nam thông tin cho báo chí.

Tối ưu hóa lợi nhuận

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua email, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc công ty thức ăn chăn nuôi của Hà Lan có tên gọi De Heus Việt Nam, viết ngắn gọn: “Đây là một vấn đề nội bộ của tập đoàn CP và là một cách để họ tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thuế trong tập đoàn”.

TRUNG HIẾU - QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm