Nhiều doanh nghiệp (DN) lo ngại thị trường chăn nuôi sẽ bị nước ngoài thao túng sau sự kiện công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc là C.P Pokphand (CPP) tuyên bố sẽ giành quyền kiểm soát Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (gọi tắt CP Việt Nam). Tuy nhiên, nếu biết sử dụng công cụ pháp luật, liên kết DN trong nước vẫn tránh được sự thao túng này.
Vi phạm: Vẫn xử được
Theo Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực kinh tế năm 2010 của Cục Quản lý cạnh tranh thì CP Việt Nam chiếm 7% thị phần thức ăn chăn nuôi (năm 2008) và 6,23% (năm 2009), xếp thứ hai thị trường. Đứng đầu thị trường là Công ty Việt Pháp (Proconco), chiếm gần 12% (năm 2008) và 9,5% (năm 2009).
Một chuyên gia kinh tế cho rằng một DN có trên 30% thị phần mới được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường. Luật Cạnh tranh có quy định sáu hành vi bị cấm đối với DN thống lĩnh. Ví dụ như cấm bán dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh; áp đặt giá mua, giá bán bất hợp lý; áp đặt điều kiện thương mại; cản trở đối thủ cạnh tranh mới tham gia thị trường… Quy định này nhằm giữ cho thị trường được cạnh tranh một cách lành mạnh.
Ông này cho biết Luật Cạnh tranh xử cả “cá bé” lẫn “cá lớn”. Do đó, một DN chỉ giữ 7% thị phần, tuy không có vị trí thống lĩnh nhưng nếu có hành vi phản cạnh tranh thì vẫn có thể xử lý được theo quy định về cạnh tranh không lành mạnh.
DN nước ngoài đang chi phối phần lớn thị trường thức ăn chăn nuôi tại VN. Ảnh: QT
Điều tiết bằng kỹ thuật
GS-TS khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie), cho biết có thể điều tiết xuất, nhập khẩu, tránh việc DN thao túng thị trường. Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), VN phải thực hiện nhiều chính sách tự do hóa thương mại. Tuy nhiên, WTO cũng có nhiều chính sách về hàng rào kỹ thuật đối với hàng xuất, nhập khẩu. Thế nhưng lâu nay VN ít khi áp đặt biện pháp kỹ thuật, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài ở thị trường trong nước.
Do đó, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng xây dựng biện pháp kỹ thuật. Ví dụ, thịt heo Trung Quốc muốn vào VN thì phải đáp ứng điều kiện vệ sinh thực phẩm, phải có chứng nhận kiểm dịch, phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, phải nhập qua cửa khẩu chỉ định… Hoặc thịt heo muốn xuất khỏi VN cũng phải đáp ứng những điều kiện khắt khe nào đó, phải qua cửa khẩu hải quan nào đó... VN không thể cấm nhập, cấm xuất mà chỉ có thể dùng những đòi hỏi về kỹ thuật này để điều tiết thị trường.
Không sợ thao túng giá
Ông Bùi Văn, giảng viên thực tiễn lĩnh vực tài chính, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng CP Việt Nam 100% vốn nước ngoài nhưng khi hoạt động tại VN phải tuân theo pháp luật VN. Do đó nếu thao túng, bán phá giá hay chuyển giá trong lĩnh vực chăn nuôi thì pháp luật trong nước vẫn có thể chế tài. Mặt khác, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi chịu sự quản lý của Nhà nước về bình ổn giá. Vì vậy, nếu có việc nâng giá bất hợp lý, cơ quan quản lý có thể dùng quyền của mình để điều chỉnh lại.
Ông Bùi Văn cho hay một thị trường mà có nhiều công ty, kể cả 100% vốn nước ngoài vào hoạt động sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh tốt. Do đó, lĩnh vực chăn nuôi có nhiều công ty thu mua thì giá bán thịt heo, gà sẽ cao hơn. Điều này có lợi cho nông dân, tránh hiện tượng độc quyền, ép giá. Chưa kể DN nước ngoài vô hoạt động tạo thêm công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế phát triển.
GS-TS Nguyễn Mại khẳng định bên cạnh các biện pháp về mặt quản lý nhà nước, quan trọng nhất vẫn là giải pháp từ DN. Ông cho rằng DN trong nước chưa mạnh, năng lực cạnh tranh rất kém, không biết cách tổ chức ngành hàng, dẫn đến chịu lép vế. Ví dụ như khi cần thì tranh mua nguyên liệu, khi không cần mua thì thất tín, bán hàng thì mạnh ai nấy bán, tự phá giá nhau.
Cam kết không thay đổi chiến lược tại VN Tôi có theo dõi vụ mua bán này. Tập đoàn CP là công ty nước ngoài và niêm yết thị trường chứng khoán thế giới. Do đó việc mua bán là quyền của họ, ta không thể cấm hay can thiệp được. Tôi có đề nghị CP Việt Nam báo cáo liệu sau vụ mua bán này chiến lược có gì thay đổi không. Ban Tổng giám đốc CP Việt Nam cho biết Tập đoàn CP sẽ không thay đổi chiến lược và mục tiêu ở VN. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT DIỆP KỈNH TẦN Trong nước liên kết lại DN dẫn đầu thị trường cũng chỉ chiếm 10%. Do đó, mức độ tập trung (thao túng) thấp, mức độ cạnh tranh cao. Để giảm thiểu mức độ cạnh tranh khốc liệt đối với DN nhỏ, các DN này cần hợp tác với nhau để tồn tại và giữ vững thị phần. Cần khuyến khích mua bán, sát nhập đối với DN nhỏ trong lĩnh vực thức ăn gia súc. (Trích Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực kinh tế năm 2010) Giám sát chặt chẽ việc mua bán, sát nhập Trong Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực kinh tế năm 2010, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết thời gian tới Cục sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động mua bán, sát nhập DN, đặc biệt là đối với các trường hợp có thị phần đạt và vượt ngưỡng 30%. Cục có thể điều tra nếu nhận được khiếu nại của bên thứ ba, hoặc tự điều tra nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. |
NHÓM PHÓNG VIÊN