Ngân hàng, khách hàng đứng ngồi không yên vì "bão lãi suất"

1

Một số ngân hàng dự báo: Sớm nhất thì phải qua giữa tháng 3 vấn đề lãi suất của các ngân hàng mới đi vào ổn định.
Ảnh: NgSa

Nhà băng “vay nóng” khách hàng

Chiều 25/2, một cán bộ Ngân hàng Techcombank than thở: chỉ mới ngày 20/2 vừa qua ngân hàng đang đứng đầu danh sách với mức chi trả suất cao nhất, gần 10,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Thế mà nay đã nằm ở nhóm thấp bởi đã có hàng loạt ngân hàng vượt lên.

Hiện mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng cao nhất trên thị trường là 13,8% (Ngân hàng An Bình), tiếp đến là Ngân hàng Đông Á: 13,56%. Đây là lần thứ 3 Đông Á nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tính từ đầu năm 2008 đến nay.

Cán bộ này cũng tiết lộ thêm, chưa biết là thời gian nào nhưng chắc chắn Techcombank sẽ phải tung ra đợt nâng lãi suất mới cho kịp mặt bằng chung của thị trường hiện nay.

Đáng chú ý hơn, từ trước đến nay loại hình gửi tiết kiệm ngắn hạn ít được các ngân hàng khuyến khích, thế nhưng hiện nay hầu hết các ngân hàng đều tập trung để có thể “vay nóng” từ nguồn vốn của khách hàng.

Điển hình là chương trình huy động vốn “siêu lãi suất” của Ngân hàng Việt Á (VAB), kỳ hạn 3 tháng được trả lãi đến 13,92%/năm và người gửi 500 triệu đồng trở lên được cộng thêm lãi suất 0,12%/năm. Còn Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) thì tăng cường huy động cho kỳ hạn gởi ngắn ngày (từ 1 ngày đến 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần...) với mức lãi suất ngắn ngày này dao động từ 0,45-0,8% một tháng, tức 5,4-9,6% mỗi năm.

2

Các ngân hàng "dòm ngó" nhau để nâng mức lãi suất cho "bằng chị bằng em". Ảnh: Ng.Sa

Ngân hàng “dòm ngó” nhau, khách hàng chộn rộn

Trước sự lôi kéo hấp dẫn trên trong những ngày này nhiều khách hàng đã ôm tiền “nhảy cóc” từ ngân hàng này sang ngân hàng kia để kiếm mức lãi cao hơn.

Theo nhận xét của các ngân hàng, có hiện tượng này xảy ra nhưng không phải là nhiều bởi khách hàng gửi tiền tiết kiệm có thời hạn đã gởi được một thời gian mà rút tiền đi giữa chừng thì bị thiệt thòi (mất phần lãi). Do vậy, tình trạng này chỉ xảy ra ở đối tượng khách hàng là những người có tiền nhàn rỗi gửi không kỳ hạn, hoặc có kỳ hạn nhưng chỉ mới gửi trong thời gian ngắn.

Tại Văn phòng Bà Chiểu - Ngân hàng Việt Á (Q.Bình Thạnh) chị Nguyễn Hồng Vân (P.13, Q. Bình Thạnh) cho biết, chị vừa rút 500 triệu đồng khỏi ngân hàng A. vì mức lãi đang nằm ở tầng thấp nhất: 0,82%/tháng, tương đương 9,84%/năm đối với kỳ hạn ba tháng.

Trong khi đó gửi tại Việt Á với kỳ hạn 3 tháng chị sẽ được trả lãi đến 13,92%/năm, chưa kể lãi suất cộng thêm là 0,12%/năm cho những khách hàng gửi số tiền từ 500 triệu đồng trở lên như chị.

Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Ngân hàng An Bình (ABBank) cho hay, theo quan sát của ABBank trong những ngày qua lượng người đến ngân hàng ABBank gửi tiết kiệm có xôm tụ hơn, số người điện thoại đến hỏi thăm về mức lãi suất cũng có tăng hơn nhưng chưa thống kê cụ thể là tăng bao nhiêu.

Nhận định về việc này, ông Thái cho rằng, xét về nhiều yếu tố thì đây là hiện tượng không tốt cho các ngân hàng. Một khách hàng vì lãi suất có thể nhảy từ ngân hàng A sang ngân hàng B thì cũng sẽ dễ dàng nhảy sang ngân hàng C.

Do vậy nếu các ngân hàng không dừng lại việc cạnh tranh bằng cách tăng lãi suất thì vô hình chung tự hình thành các cuộc chiến lãi suất, tiếp tay cho sự không trung thành của khách hàng.

Về nguyên tắc thì khách hàng có quyền chọn lựa nơi nào trả mức lãi suất cao nhất, có lợi nhất cho mình. Do vậy, cũng theo ông Thái, trong chiến lược chung các ngân hàng sẽ không có khoảng cách trả lãi suất xa nhau giữa các ngân hàng vì không ngân hàng nào muốn khách bỏ đi.

“Tôi cho rằng chạy theo mặt bằng lãi suất chung cũng là cách bảo đảm quyền lợi khách hàng, không để khách hàng thiệt thòi nhưng các ngân hàng không nên lạm dụng thái quá hình thức này bởi ngoài lãi suất thì uy tín, sự tin cậy và chất lượng phục vụ... cũng góp phần thu hút khách hàng” - ông Thái nhận xét thêm.

Theo Nguyễn Sa ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm