TP Đà Nẵng đang bùng nổ các tour du lịch giá rẻ 0 đồng cũng như sự lộng hành của hướng dẫn viên (HDV) chui người Trung Quốc (TQ). Ông Trần Trà, Chi hội trưởng Chi hội HDV Đà Nẵng báo động: Hiện có đến khoảng 10/45 công ty để cho người TQ đứng sau giật dây.
Chiêu trò tinh vi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các công ty lữ hành có yếu tố người TQ thường tồn tại dưới nhiều vỏ bọc rất tinh vi. Trong đó phổ biến nhất là hình thức thuê pháp nhân, tức là người TQ bỏ tiền thuê một công ty của Việt Nam đóng dấu để hợp pháp hóa việc đi tour. Sau đó thuê HDV người Việt làm sitting guide, tức là làm bình phong cho HDV TQ để đối phó với các cơ quan chức năng.
Chúng tôi tìm gặp anh VDV, một HDV tiếng Trung. Anh V. từng làm cho một công ty Việt cho người TQ núp bóng. Anh V. tiết lộ: Tên của HDV người TQ thường được xếp lẫn vào danh sách khách du lịch nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện. Một chiêu nữa mà các ông chủ người TQ thường sử dụng là cùng lúc dựng lên năm, bảy công ty rồi thuê người Việt đứng tên. “Người TQ họ đứng sau giật dây mọi hoạt động” - anh V. nói.
Chúng tôi đặt câu hỏi: “Vì sao họ lại lập nhiều công ty như vậy?”, anh V. nói : “Với chiêu thức này, khi một công ty bị kiểm tra thì ngay lập tức khách sẽ được chuyển sang những công ty vệ tinh khác để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh”.
Anh V. dẫn chứng chính Công ty V. nơi anh từng làm việc. Theo đó, doanh nghiệp này ban đầu tên là Công ty TNHH Đ., phục vụ đón khách TQ từ năm 2012. “Mọi hoạt động của công ty như nguồn khách, giá cả, tài chính… đều do một người TQ đứng sau chi phối. Sau khi thành lập, chủ công ty ngay lập tức hợp tác với nhiều người khác để mở ra ba, bốn công ty vệ tinh xung quanh. Các công ty này liên minh, móc ngoặc với nhau để khống chế gần 60% khách thị trường TQ” - anh V. tiết lộ.
Nói về lý do khiến người Việt chấp nhận để người TQ lợi dụng, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành khai thác thị trường khách TQ, nhận định: Đó là vì lợi nhuận hấp dẫn nhưng nếu cứ tiếp tục làm ăn kiểu chụp giật trên thì chẳng khác nào doanh nghiệp Việt đang tự bắn vào chân mình. Bởi số tiền họ thu được trên thực tế ít hơn nhiều so với lợi nhuận khổng lồ của các ông chủ TQ.
“Trên thực tế thì người TQ thao túng toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp Việt, pháp nhân Việt chỉ là bình phong. Ngay cả tài chính của công ty Việt cũng bị người TQ chi phối toàn bộ. Nếu xảy ra một vấn đề gì đó như vỡ nợ hay bị kiểm tra, phát hiện trốn thuế thì pháp nhân Việt sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn những ông chủ TQ dĩ nhiên sẽ cao bay xa chạy” - ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Hướng dẫn viên Trung Quốc đang đăng ký cho khách tại một cửa hàng bán các sản phẩm tơ lụa ở TP Hội An khi dẫn đoàn từ Đà Nẵng vào. Ảnh: HDV
Có cả tour “âm đồng”
Đó là thực tế mà nhiều HDV người Việt Nam nêu ra khi nói về tình trạng tiếp tay cho người TQ hoạt động trái phép. “Trước đây gọi là tour 0 đồng vì khi doanh nghiệp Việt đón đoàn khách từ TQ sẽ được nhận một khoản phí khoảng 60-100 USD. Còn hiện nay, doanh nghiệp Việt chẳng những không được nhận phí tiếp đón như trước đây mà còn phải trả cho công ty TQ (nơi gom khách - PV) một khoản tiền. Do đó chúng tôi gọi vui là tour… âm đồng. Tại Đà Nẵng, hiện chi phí để một công ty đón một đoàn khách TQ là 1.000 tệ/người” - anh NXC, một HDV tiếng Trung, giải thích.
Chính vì chấp nhận tour âm đồng nên các doanh nghiệp buộc phải dùng chiêu trò để bán cho khách những tour ngoài chương trình với giá cắt cổ hoặc ép họ mua sắm để có lợi nhuận. Đáng nói là không ít hàng hóa, sản phẩm được bán tại các điểm tham quan được HDV TQ giới thiệu là của Việt Nam nhưng thực chất đều là hàng TQ và không loại trừ đây là hàng giả, kém chất lượng. Hơn nữa, vì là tour khép kín nên các cửa hàng này thực chất cũng là của người TQ.
Anh VDV cho biết thêm cũng vì áp lực lợi nhuận nên trong vòng ba năm trở lại đây, những công ty Việt có người nước ngoài đứng sau bắt đầu sử dụng HDV TQ thay thế gần như hoàn toàn HDV người Việt. Những người cố trụ lại công ty thì chỉ được giao đi những đoàn khách nhỏ lẻ. Còn những đoàn chất lượng cao, có khả năng thu nhiều lợi nhuận đều thuộc về tay HDV TQ.
“Đó còn chưa kể với các tour 0 đồng hoặc âm đồng, nếu không mang về lợi nhuận cho công ty thì HDV Việt sẽ bị phạt tiền. Cho nên những ai không làm, không mang về lợi nhuận cho công ty thì bị đuổi việc ngay. Tôi cũng bị đuổi việc và không có việc làm từ lâu rồi” - anh V. chua chát.
Đừng để du lịch bị phá nát
Những HDV, doanh nghiệp mà chúng tôi tìm gặp đều cho rằng việc để cho người TQ núp bóng hoạt động du lịch trái phép tại Đà Nẵng đang khiến cho TP mất một khoản thuế khổng lồ. Rõ nhất là việc khách mua sắm trong các cửa hàng của người TQ tại các điểm đến thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ thông qua hệ thống AliPay, WeChatPay. Với những hình thức này thì tiền sẽ chuyển thẳng về TQ, TP Đà Nẵng sẽ không thu được một đồng nào.
Để dẹp tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành khai thác thị trường khách TQ, cho rằng cơ quan hữu quan cần thanh tra, kiểm tra và cho rà soát toàn bộ 45 công ty đang khai thác khách thị trường TQ. Từ con số thực đến doanh thu thực sẽ lòi ra những doanh nghiệp nào đang trốn thuế, những doanh nghiệp nào đang cho người nước ngoài núp bóng.
Cũng theo ông Hùng, chính những đối tượng này sẽ là mấu chốt để dẹp được tình trạng HDV chui người TQ lộng hành. “Nếu làm quyết liệt thì du lịch Đà Nẵng có thể sẽ phải đón nhận những cú sốc nhất định. Tuy nhiên, cú sốc lớn hay cú sốc nhỏ thì vẫn phải quyết tâm làm, chứ không thể để người TQ phá nát ngành du lịch TP được” - ông Hùng nhấn mạnh.
Xử lý 23 người TQ hoạt động chui Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết các doanh nghiệp Việt có người nước ngoài núp bóng sử dụng rất nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với các cơ quan nhà nước như thành lập 5-6 doanh nghiệp lữ hành để tránh sự kiểm soát; lập những công ty, chi nhánh ở các tỉnh khác rồi đến Đà Nẵng hoạt động; trốn thuế; báo cáo số lượng khách không chính xác.
“Có rất nhiều vấn đề mà trong quá trình quản lý, Thanh tra Sở dù đã rất nỗ lực nhưng không thể một lúc phát hiện và xử lý hết. Ngành du lịch đang cố gắng làm những việc trong chức năng, quyền hạn của mình. Vừa rồi Công an TP cùng với Bộ Công an đã thanh tra, kiểm tra và xử lý rất nhiều trường hợp người nước ngoài hoạt động chui. Sáu tháng đầu năm 2018, Sở Du lịch và Công an TP cũng đã phối hợp xử lý gần 40 người nước ngoài, trong đó có 23 người TQ” - ông Vinh cho biết. Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh ThS-luật sư Phạm Lê Lan Phương, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, cho rằng trong trường hợp phát hiện giữa người Việt Nam và người nước ngoài có thỏa thuận bằng văn bản nhằm yêu cầu người Việt Nam đứng ra thành lập doanh nghiệp thì giao dịch này có thể bị tuyên bố vô hiệu theo khoản 1 Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015. “Còn căn cứ Nghị định số 16/2012 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, có thể phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để hoạt động, kinh doanh lữ hành. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế từ 12 tháng đến 24 tháng…” - luật sư Lan Phương nói. Không chấp nhận để ông chủ TQ núp bóng Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành khai thác thị trường khách TQ, tâm sự: “Những ông chủ người TQ nhiều lần tới gặp tôi để đề nghị hợp tác. Nếu tôi vì đồng tiền đóng dấu cho họ thì tôi sẽ có rất nhiều tiền. Tuy nhiên, cũng như hàng trăm HDV Việt khác, tôi không cho phép mình làm điều đó vì lòng tự tôn dân tộc”. Ông Hùng cho biết thêm hiện công ty của ông sử dụng 100% HDV bản địa nên lợi nhuận không cao như những công ty sử dụng HDV TQ. “Nhưng tôi vẫn khẳng định với anh em là thà tôi không kinh doanh thị trường TQ nữa chứ nhất quyết không sử dụng người nước ngoài núp bóng” - ông Hùng nói. |